Lê Đức Phát: Hành trình ‘kỳ lạ’ của con nhà nòi quyền anh đến tấm vé Olympic môn cầu lông

23/05/2024 09:14 GMT+7

Hành trình chinh phục tấm vé Olympic Paris 2024 của tay vợt cầu lông Lê Đức Phát còn có phần đặc biệt khi anh có xuất phát điểm từng luyện tập quyền anh. Tuy nhiên, bởi một lý do thú vị mà VĐV thuộc đơn vị Quân đội quyết định 'quay xe' sang chơi cầu lông.

Ngày 30.4.2024, thể thao Việt Nam đón nhận tin vui khi tay vợt cầu lông Lê Đức Phát chính thức đoạt vé tham dự nội dung đơn nam môn cầu lông Olympic 2024. VĐV sinh năm 1998 này là tuyển thủ Việt Nam thứ 10 có tên trong danh sách đến Thế vận hội Paris.

Xếp hạng 74 thế giới và hạng 34 vòng loại Olympic Paris 2024, tức nằm trong nhóm những tay vợt đủ điều kiện tham đến Pháp tham dự Thế vận hội, nhưng Lê Đức Phát lẫn người hâm mộ cầu lông Việt Nam không dám ăn mừng sớm mà chờ kết quả được Liên đoàn Cầu lông thế giới và Ủy ban Olympic quốc tế công bố. Để rồi khi được thông báo chính thức có vé dự Thế vận hội, người hâm mộ cầu lông Việt Nam nói chung và bản thân Lê Đức Phát như vỡ oà cảm xúc.

Lê Đức Phát là VĐV thứ 10 của thể thao Việt Nam có vé tham dự Olympic Paris 2024

Lê Đức Phát là VĐV thứ 10 của thể thao Việt Nam có vé tham dự Olympic Paris 2024

NVCC

'Hot boy' cầu lông Lê Đức Phát: Hành trình của đứa con nhà nòi quyền anh đến tấm vé Olympic Paris 2024

Trước đó khi kết thúc hành trình vòng loại Olympic 2024 với giải đấu cuối cùng là Kazakhstan International Challenge vào giữa tháng 4.2024, bởi thua trận bán kết và đoạt huy chương đồng nên bản thân Đức Phát không nghĩ bản thân có cơ hội đến Thế vận hội.

Trong 2 tuần hồi hộp chờ đợi kết quả, Đức Phát vẫn kiên trì tập luyện để giữ được nền tảng thể lực và phong độ. Vào ngày công bố chính thức là 30.4.2024, sau khi đi tập về thì tay vợt thuộc đơn vị Quân đội nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi nhỡ. Đức Phát có phần ngạc nhiên khi trên mạng xã hội có rất nhiều người chúc mừng mình chính thức được dự Olympic.

Tuyển thủ cầu lông Lê Đức Phát đã hạnh phúc vô bờ với thành tích lần đầu tiên gặt hái được. Gần như suốt cả đêm đó, tay vợt sinh năm 1998 không ngủ được vì quá xúc động. Dù vậy, Đức Phát nhanh chóng quay trở lại tập luyện với cường độ cao hơn để đưa bản thân về trạng thái tâm lý ổn định.

Tay vợt thuộc đơn vị Quân đội có thể hình ấn tượng với chiều cao 1,8 m

Tay vợt thuộc đơn vị Quân đội có thể hình ấn tượng với chiều cao 1,8 m

NVCC

Trong vòng 1 năm, Lê Đức Phát thăng tiến 93 bậc, từ tay vợt ngoài nhóm 160 thế giới lọt vào nhóm 80, để rồi chính thức có vé đến Thế vận hội Paris vào tháng 7.2024. Đó là thành quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của tay vợt này, nhất là khi anh có thời điểm tưởng chừng phải bỏ cuộc vì chấn thương.

Trong tổng số 38 tay vợt cầu lông đủ điều kiện tham dự Olympic Paris ở nội dung đơn nam, vị trí của Đức Phát có thể khiêm tốn so với những VĐV xuất sắc ở đẳng cấp thế giới, nhưng việc có lần đầu tiên tham dự Olympic thực sự là thành tích đáng khen ngợi cho Lê Đức Phát.

Chia tay quyền anh vì sợ đau, sợ bị... đấm

Chưa kể, hành trình của tay vợt sinh năm 1998 còn có phần đặc biệt hơn khi anh là người con được sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao, có cha là cựu VĐV quyền anh Lê Văn Đức từng vô địch quốc gia các năm 1988, 1989. Bản thân Đức Phát cũng có xuất phát điểm từng luyện tập quyền anh, nhưng một lý do thú vị đã khiến Phát "quay xe" sang chơi cầu lông.

Bởi không có năng khiếu quyền anh, lại rất sợ bị đau, sợ bị... đấm nên anh chuyển sang chơi thử cầu lông. Sau khi cầm vợt và đánh vài đường cầu thì cậu bé sinh năm 1998 thấy môn này rất vui. Đức Phát nghĩ bản thân phù hợp để chơi môn này và anh gắn bó với cầu lông cho đến hiện tại.

VĐV sinh năm 1998 từng tập luyện boxing nhưng chuyển sang chơi cầu lông vì sợ... bị đấm

VĐV sinh năm 1998 từng tập luyện quyền anh nhưng chuyển sang chơi cầu lông vì sợ... bị đấm

NVCC

Tìm được cầu lông như môn thể thao "chân ái" của con đường sự nghiệp, nhưng Đức Phát vẫn chưa được sớm thỏa sức vùng vẫy và luyện tập hết mình với đam mê. VĐV sinh năm 1998 từng có thành tích học tập thời phổ thông rất tốt nên được gia đình kỳ vọng sẽ tiếp tục đi theo con đường học hành để ổn định sự nghiệp. Khi Đức Phát chia sẻ với gia đình mong muốn được chơi thể thao chuyên nghiệp, gia đình bên nội, ngoại và cả mẹ của anh tỏ ý không ủng hộ.

Với Lê Đức Phát, việc quyết định chơi thể thao là điều khá mạo hiểm. Nếu anh cứ như các bạn bè khác, đi theo con đường học thì biết đâu đã có một công việc, sự nghiệp ổn định. Có vẻ như tương lai trong con đường học hành cũng được đảm bảo hơn con đường thể thao.

Nhưng có lẽ vì là "con nhà nòi", được thừa hưởng những tố chất mạnh mẽ khi vận động, dòng máu thể thao đã chảy trong con người Đức Phát khiến anh chỉ muốn theo đuổi con đường cầu lông chuyên nghiệp. Tay vợt sinh năm 1998 khi đó rất muốn đi tập huấn cùng các đội tuyển trẻ để có thể phát triển sự nghiệp hơn. Có lẽ hiểu được những nỗi niềm của cậu con trai, với tâm thế là một người yêu thích thể thao, người cha là cựu VĐV quyền anh Lê Văn Đức đã tạo điều kiện để Đức Phát theo đuổi đam mê. Bản thân Lê Đức Phát cũng quyết tâm chơi môn này đến nơi đến chốn, để mọi người đều biết anh có thể làm được điều gì đó đặc biệt.

Lê Đức Phát được đặt kỳ vọng sẽ tiếp bước người đàn anh Nguyễn Tiến Minh

Lê Đức Phát được đặt kỳ vọng sẽ tiếp bước người đàn anh Nguyễn Tiến Minh

NVCC

Đặt mục tiêu tiếp bước đàn anh từng đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi tham dự 4 kỳ Olympic liên tiếp là Nguyễn Tiến Minh, Lê Đức Phát đã đạt được cột mốc ấn tượng đầu tiên là có tên đến Olympic Paris 2024.

Nhắc về thiệt thòi phải thi đấu mà không có HLV đi cùng ở Olympic như người đàn anh, Đức Phát tiết lộ cầu lông Việt Nam có thể sẽ được hỗ trợ bởi một ê kíp trên đất Pháp sắp tới. Thực tế, việc các VĐV cầu lông đẳng cấp nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh hay Lê Đức Phát,… tham dự các giải đấu quốc tế lớn mà không có HLV đi cùng là câu chuyện không mới. Tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng thể, đó lại là điều có lợi cho các tuyển thủ bởi họ sẽ được trải nghiệm và thi đấu ở nhiều đấu trường hơn.

Theo Đức Phát, kinh phí tham dự các giải đấu quốc tế là có giới hạn. Mặc dù vậy, các VĐV cầu lông cũng được tạo điều kiện thi đấu rất nhiều. Để tiết kiệm chi phí, việc đi thi đấu một mình sẽ giúp các tay vợt được dự thêm nhiều giải quốc tế hơn. Dẫu biết việc có thêm HLV đi cùng sẽ rất tốt, nhưng khi đó kinh phí dự một giải đấu sẽ bị đội lên. Câu chuyện này không chỉ xảy ra nơi các VĐV Việt Nam, mà cả nhiều VĐV châu Âu, châu Mỹ cũng chọn đi thi đấu một mình.

Lê Đức Phát và Nguyễn Thùy Linh sẽ là 2 đại diện của cầu lông Việt Nam tại Olympic 2024

Lê Đức Phát và Nguyễn Thùy Linh sẽ là 2 đại diện của cầu lông Việt Nam tại Olympic 2024

NVCC

Với tài năng và niềm đam mê với cầu lông, Đức Phát còn được ví von như một "hot boy" của làng cầu lông nhờ thể hình ấn tượng với chiều cao 1,8 m và một cá tính đặc biệt.

Lê Đức Phát vẫn đang hết mình luyện tập và thi đấu để tiến về phía trước. Với đà thăng tiến hiện tại, tay vợt sinh năm 1998 có lẽ sẽ còn chinh phục thêm nhiều cột mốc và khi đó, hành trình kỳ diệu của Lê Đức Phát hứa hẹn sẽ còn rực rỡ và kéo dài hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.