Lê Hoài Nam với tiểu thuyết ‘Hạc Hồng’ - chân thực và can đảm

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
14/03/2021 19:16 GMT+7

Tiểu thuyết Hạc Hồng của nhà văn Lê Hoài Nam (NXB Hội Nhà văn) dày tới gần 400 trang, là tâm huyết của nhà văn chuyển hóa thành từng trang viết thấm đẫm buồn vui, cay đắng và hy vọng, nỗ lực của con người trong thời đất nước mở cửa.

Nhà văn Lê Hoài Nam ghi dấu ấn trong lòng độc giả với chủ đề lịch sử và ký chiến tranh. Ông là người nghiên cứu và am hiểu sâu sắc lịch sử, văn sử, lại từng trải qua chiến tranh với vị trí từ lính đến sĩ quan, nên những chủ đề đó trở thành thế mạnh trong văn của Lê Hoài Nam. Khi ông xuất bản tiểu thuyết Hạc Hồng, tôi ban đầu nghĩ, chắc lại một tiểu thuyết lịch sử, hoặc chiến tranh chăng? Mảnh đất ấy ông cày sâu cuốc bẫm thì chắc chắn mang lại thành công mới cho ông. Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc Hạc Hồng, đó là một tiểu thuyết thế sự, về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, trước thách thức của đổi mới và kinh tế thị trường. Chính là Lê Hoài Nam đang chắp bút viết sử mới, về những con người mới hôm nay đang tạo nên lịch sử.
Giá trị đạo đức được đặt ra trong tác phẩm Hạc Hồng thật sáng tạo và táo bạo. Đó là giá trị đạo đức của con người trong bối cảnh kinh tế thị trường, mở cửa. Mỗi người, từ người dân nông thôn làm ăn nhỏ lẻ, tới bậc trí thức hay những nhà quản lý xã hội, đều phải đối diện với một cuộc đấu tranh quyết liệt trong công việc, trong quan hệ, và trong sự lựa chọn của chính mình. Anh sẽ để cho lòng tham chiến thắng, anh sẽ bán rẻ và đánh mất chính mình, hay anh sẽ chọn lẽ phải để bảo vệ giá trị đạo đức, giá trị bản thân, lựa chọn ấy diễn ra hàng ngày, trong từng quyết định của mỗi nhân vật trong tác phẩm Hạc Hồng.
Nhân vật chính của tiểu thuyết, cựu quân nhân tên Lương Hải Hựu, cũng là một cán bộ lãnh đạo Sở, có năng lực chuyên môn, và có khả năng thăng tiến, nhưng ba lần đều trượt cấp Trưởng vì tệ nạn kéo bè cánh, sắp xếp người nhà vào những "cái ghế béo bở”, rồi tệ nạn dối trên lừa dưới, mọi người sống với nhau bằng cái mặt nạ người, giả dối thành thói quen,… đã khiến nhân vật chán nản, xin về hưu non dù đang đương chức. Ông buông bỏ cái môi trường thối nát đó, để tránh mình bị đồng hóa theo những kẻ bon chen, tham tư lợi, để tránh quá trình tự tha hóa.
Đó còn là giá trị đạo đức đặt ra trong mỗi tầng lớp và cộng đồng tôn giáo hiện nay. Đặc biệt là các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Ở xã hội ta chia ra các cộng đồng tôn giáo khác nhau và cộng đồng phi tôn giáo. Tôn giáo có đạo Phật, Ki tô giáo, hay bất cứ tôn giáo nào, tuy có sự phân biệt nhưng đã ở trên đất nước Việt Nam này, thì đều có chung một phẩm chất, đó là gìn giữ đạo đức, lòng nhân ái. Bởi lẽ, trên tất cả, thì cộng đồng tôn giáo nào, cũng bao gồm những người con Việt Nam, như trong tiểu thuyết Hạc Hồng, thì vị linh mục tên Thiệu, hay xơ Hòa cũng từng là những người lính trận, là y sĩ quân y Việt Nam mà thôi.
Về cái kết của tiểu thuyết, tôi cho rằng đó là một cái kết có hậu. Nhân vật chính, dù đã đi qua cuộc chiến khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trở về nguyên vẹn, nhưng có thể không còn nguyên vẹn khi chiến đấu trong chính trường, buộc phải từ chức về hưu non, giã từ cuộc chiến tham sân si để hy vọng bảo toàn chút nào đó nhân bản còn lại. Cuối cùng, thoát khỏi vòng xoáy lợi danh, trở lại với đồng quê, với đạo, với đời chân thực, ông Hựu đã có thể nhìn thấy cánh đồng lúa xanh thơm mát giống lúa thầu dầu, giống gạo tám xoan quê ông, thấy chim hạc hồng bay về trên cánh đồng ấy, thấy hạnh phúc mỉm cười với ông trong tình yêu của cô gái trẻ tên Lệ. Cái kết ấy rất nhân văn, cho người đọc tràn trề hy vọng, rằng cho dù thế nào, thì cái tham, cái ác sẽ bị thời gian, con người tiêu trừ, sai lầm nào rồi cũng được tha thứ và cứu rỗi, và sự bình an vĩnh hằng sẽ trở lại.
Có thể thấy sự dũng cảm của ngòi bút Lê Hoài Nam trong tiểu thuyết Hạc Hồng, ông đã phơi bày cuộc sống với tất cả hỷ nộ ái ố như nó đang như thế trong thời đại hỗn độn hiện nay. Ông không ngại đưa ra rất nhiều vấn đề, và ngòi bút ông khía sâu vào từng vấn đề để đi đến tận cùng cái ác, cũng như cội nguồn của cái thiện.
Đặc biệt là vấn đề cộng đồng tôn giáo trong mối quan hệ với các nhà quản lý xã hội. Đây là vấn đề lâu nay ít cây viết khai thác, bởi không đủ điều kiện nghiên cứu, tiếp cận, bởi không đủ vốn sống, và còn vấn đề nữa, đó là tiếp cận rồi thì viết đến đâu, khai sâu đến tầng nào. Nhà văn Lê Hoài Nam đã dành khoảng đất rộng rãi trong tiểu thuyết Hạc Hồng để cho nhân vật linh mục Dương Khắc Thiệu thể hiện mình. Đây là một nhân vật thú vị, từ một người lính chiến đấu trên chiến trường Campuchia, không chịu đựng nổi cái ác tàn khốc, đã phát bệnh trầm cảm, rồi từ bệnh đó, nhờ một cơ may, anh đã được chuyển hóa, học tập và thực hiện ước mơ trở thành linh mục trong nhà thờ. Thông qua những bài giảng Kinh thánh, những câu chuyện nhân văn, áp vào thực tế cuộc sống đang diễn ra, linh mục Thiệu đã trở thành người thầy tinh thần dẫn dắt cộng đồng công giáo và cả những người không theo đạo Ki tô bên nhau hành thiện và phát triển.
Cái khác biệt và giá trị trong tiểu thuyết Hạc Hồng chính là khơi sâu mối quan hệ giằng xé đến tận cùng của bên quản lý xã hội và lãnh đạo cộng đồng tôn giáo. Sự duy ý chí, cứng nhắc và áp đặt, cũng như sự thiếu hụt trí tuệ sẽ phải nhường bước cho sự tiến bộ, trí huệ và lòng nhân ái, bao dung.
Nhà văn Lê Hoài Nam có dụng ý khi chọn bối cảnh làng quê để thể hiện những điều ông gửi gắm. Ngòi bút Lê Hoài Nam đã phơi bày ra một làng quê với núi rác ùn ứ bốc mùi không thở nổi, với nguồn nước ô nhiễm chết hết cá tôm, với các loại thực phẩm nhồi hóa chất độc hại... Chúng ta còn có nơi nào để an trú? Một vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.
Cách chọn nhân vật của ông trong tiểu thuyết Hạc Hồng cũng rất có chủ ý. Sự va chạm trong mối quan hệ, trong hành động, việc làm, trong tư tưởng, tầm nhận thức, làm nổi bật lên điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh, đó là con người trong vòng xoáy phát triển của kinh tế thị trường, nhất là khi ở vị trí béo bở, dễ để mình bị lòng tham chiếm đoạt, trở thành những xác sống vô cảm, chỉ biết đến lợi nhuận cho riêng mình, tàn phá thiên nhiên, con người. Cái ác đó phải được soi rọi, chỉ ra, và được chuyển hóa bởi lòng nhân ái, đạo đức và sự bao dung. Biểu tượng chim hạc hồng bay về, chính là ẩn dụ tinh tế của sự chuyển hóa đó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.