Đã in nhiều tuyển tập tiểu phẩm hài hước, châm biếm, song Lê Hoàng cho rằng Sao thầy không mãi teen teen? (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam book ấn hành) - cuốn sách viết về tuổi mới lớn với nội dung và quan điểm có thể gây “sốc” - mới là tác phẩm văn học đầu tiên và thực sự của anh.
Điệu bộ “teen” của Lê Hoàng khi giới thiệu tác phẩm mới của mình - Ảnh: P.T.N
Lê Hoàng và tuổi teen
Thưa anh Hoàng, anh từng bảo ông đạo diễn không nhất thiết phải ở tù mới làm được phim có bối cảnh nhà tù. Vậy người viết có nhất thiết phải “teen” để viết một cuốn sách cho tuổi teen (*)?
Chất “teen” trong mỗi con người không phải giáo dục hay vay mượn mà có được. Nó có sẵn với một số cá nhân từ lúc sinh ra cho đến chết, bất kể họ ở tuổi 17 hay 70. Không tin cứ đọc Andersen, ông ấy viết tất cả những chuyện cổ tích cho trẻ con khi bản thân đã không còn trẻ.
Tuổi teen của anh đã diễn ra như thế nào? Anh có một thần tượng nào ở tuổi đó không?
Tuổi teen của tôi diễn ra ở những con phố cực kỳ êm đềm và những đồng ruộng thanh bình của miền quê Bắc bộ vào những năm 1960. Điều bất hạnh hồi ấy là trẻ con chẳng bao giờ gặp tai nạn gì, thỉnh thoảng có vài đứa may mắn trèo cây bị ngã hoặc xe đạp quệt phải, nên tất cả đều trong sáng nhưng yếu ớt. Teen hồi ấy chỉ hay nghĩ đến một thứ duy nhất: ăn. Không có internet, không có Lệ Rơi, không có Sơn Tùng, Bà Tưng, Kenny Sang…, cũng chả ai lộ hàng mà cũng chả đứa nào hiểu hàng là gì cả. Do đó hồi ấy, tôi thần tượng bà tiên, ông Bụt, hoàng tử, cô Lọ Lem… toàn những nhân vật vĩ đại nhưng không hề có thật.
|
|
Khác biệt cơ bản nhất giữa teen hiện nay và teen thời của anh là gì?
Teen hiện nay luôn luôn muốn khẳng định mình lấy tính độc lập là chủ yếu. Teen thời của tôi luôn luôn muốn khẳng định mình lấy vâng lời cha mẹ là chủ yếu. Khác nhau vô cùng. Khác nhau tuyệt vời. Khác nhau vĩ đại.
Quá trình làm phim truyền hình dài tập về đề tài tuổi teen Những thiên thần áo trắng cách đây mấy năm có giúp anh thêm ý tưởng hay thực tế về thế giới teen không?
Không. Quá trình ấy khiến hiểu người lớn nhiều hơn. Đặc biệt là những người lớn lúc nào cũng mang hiện thực ra làm một cái thước để đo tất cả.
Anh có đọc truyện ngôn tình Trung Quốc - loại sách đang được một bộ phận tuổi mới lớn yêu thích hiện nay không? Anh nghĩ gì về loại sách này?
Truyện ngôn tình được tuổi teen đọc nhiều vì đa số chúng miêu tả tình yêu như mơ giữa một cô gái đẹp và một chàng trai đẹp. Muốn đánh bại những chuyện ngôn tình như thế chúng ta cần phải viết ra những tình yêu đẹp hơn chớ đừng có ngồi bĩu môi phê phán.
Lịch sử là một con người đẹp trai và hấp dẫn
Trong lời “mào đầu”, anh viết: “Tôi viết cuốn sách này đơn giản vì tôi thấy không ai viết như vậy cả”. Trong mắt anh, sách cho tuổi teen hiện giờ đang viết về cái gì và viết như thế nào?
Sách cho teen bây giờ không làm cho teen cao lên, không làm cho teen kiêu hãnh, không làm cho teen thấy rằng thế giới teen là vĩ đại nhất mà chỉ trình bày teen theo cặp mắt của người già từ trên nhìn xuống. Có nghĩa là vẽ nên một lũ trẻ dễ thương, dễ nhầm lẫn, cần được giáo dục, cần được tha thứ, cần được bao dung. Viết như thế theo tôi là làm nhục teen, coi thường teen, xúc phạm teen và trịch thượng với teen.
Phải coi teen là tầng lớp cao quý, có những phẩm chất mà người lớn dù có bao nhiêu tiền bạc và địa vị cũng không có nổi, đấy mới là cảm xúc chân chính.
Vậy khi bắt tay viết Sao thầy không mãi teen teen?, anh nghĩ rằng sẽ viết gì để khác đi?
Điều quan trọng nhất trong cuốn sách này là hoàn cảnh phải thay đổi theo nhân vật chứ không ngược lại.
Chính tính cách và hành động của nữ sinh Ly Cún đã làm cho thầy giáo khác đi, cha mẹ khác đi, bạn bè khác đi. Ly Cún đã có thể quyết định cuộc đời mình ngay từ lúc 17 tuổi. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói.
Chuyện học trò cấp ba có tình cảm với thầy giáo vừa quen thuộc, vừa... nhạy cảm, cả trong thực tế lẫn trong dòng văn học viết cho tuổi mới lớn. Trong truyện của anh cũng có, với hàng loạt tình tiết bất ngờ, cuốn hút. Bản thân anh có xem đó là một đề tài “nhạy cảm”?
Cuốn sách có miêu tả tình cảm của cô nữ sinh Ly Cún với thầy giáo dạy sử. Tôi chẳng thấy đấy là nhạy cảm gì cả. Tôi còn tự hào và hãnh diện vì đã xây dựng được một tình yêu như thế. Bởi vì đấy là tình yêu với môn sử. Sử không phải là bài học khô khan như nền giáo dục của chúng ta đang miêu tả, sử là một con người. Đã thế còn đẹp trai và hấp dẫn. Yêu đến chết cũng xứng đáng! Yêu mãnh liệt cũng xứng đáng.
Trên thực tế, sử hôm nay không được yêu cũng không được ghét. Được sự thờ ơ. Thật là kinh khủng và bất công.
Trong truyện, anh đã miêu tả những tiết học sử - môn mà thống kê cho thấy học sinh yếu kém, chán học nhất - một cách sinh động dưới một phương pháp vui nhộn. Tôi hình dung nếu anh là thầy dạy sử anh sẽ dạy học trò theo cách đó? Vậy anh có quan tâm tới việc học trò sẽ phải thi học kỳ, tốt nghiệp không?
Không. Sự học chân chính không bao giờ để thi.
Có thể hiểu cuốn sách của anh là chống lại sự sáo mòn trong cách nghĩ về tuổi teen, cách viết về tuổi teen, và cách giáo dục tuổi teen. Theo anh sự sáo mòn nào là nguy hiểm nhất?
Sự sáo mòn nhất trong văn hóa là nghĩ rằng người khác phải phụ thuộc mình, là nếu như không có kiểu dạy dỗ của thế hệ này thì thế hệ kia sẽ hỏng. Sự sáo mòn đó khiến các nhân vật luôn luôn không đủ mạnh, luôn luôn thiếu cá tính, lẫn vào đám đông một cách thảm thương.
Cuốn sách này nhắm tới đối tượng độc giả nào: teen hay cha mẹ của họ?
Thú thực tôi nhằm vào cha mẹ họ nhiều hơn. Tôi muốn người lớn phải coi việc tôn trọng trẻ con là điều tự nhiên, điều chân chính và bắt buộc. Đây là cuốn sách về teen nhưng cho người lớn đọc.
(*) Thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi.
Bình luận (0)