Nguồn nước ngọt trong mát từ trong núi Ngọc chảy ra được dẫn về đền Nghè, sau đó, các phường có trâu chọi tổ chức rước nước từ đây về đình làng để tiếp tục thực hiện nghi lễ dâng hương, thượng cờ lễ hội, lễ tế thần linh với mong muốn cầu cho cả năm "mưa thuận, gió hòa; quốc thái, dân an" và Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 diễn ra thành công, an toàn.
Lễ họi chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành "món ăn" không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Đồ Sơn.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là có sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hóa của cư dân ven biển, gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và nghi lễ chọi, hiến sinh trâu, loài động vật thân thuộc với người nông dân.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tục chọi trâu có từ rất sớm, là một trong những nghi lễ phổ biến từ thời Lý mà năm Mậu Tý 1048 Lý Thái Tông đã ban hành "Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân". Trong đó ghi rõ "Tổng Đồ Sơn tế thần có tục chọi trâu", "ở chân núi xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương có đền Thủy Thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền, thấy hai trâu chọi nhau nên hàng năm có tục chọi trâu để tế thần".
Kế thừa những nghi lễ do tiền nhân để lại, trước ngày diễn ra Lễ hội chọi trâu 9.8 Âm lịch hàng năm, người dân Đồ Sơn cử hành Lễ rước nước từ đền Nghè - ngôi đền thiêng về đình làng để tế trời đất, thần linh thổ địa, người có công khai thiên lập địa.
Chính vì những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng đó, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27.12.2012.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND Q.Đồ Sơn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu năm 2023, cho biết do sân vận động diễn ra lễ hội chỉ có sức chứa tối đa 2 vạn người nên không thể đủ cho toàn bộ người dân và du khách. Ban Tổ chức sẽ hạn chế số khách vào khoảng 1,8 vạn người để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự.
"Lễ hội chọi trâu năm 2023 sẽ không bán vé mà phát giấy mời", ông Tuấn nói.
Được biết, mùa lễ hội năm nay có 16 "ông" trâu đến từ 6 phường trên địa bàn quận tham gia vòng đấu chung kết, trong đó mỗi phường được đăng ký 2 suất trâu. Riêng 4 chủ trâu có trâu đạt giải nhất, nhì và đồng giải ba của mùa lễ hội năm 2022 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu chọi.
Về cơ cấu giải thưởng, cụ thể: 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 60 triệu đồng, đồng 2 giải ba trị giá 30 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)