Lễ hội của đất và nước thăng hoa

30/04/2005 22:01 GMT+7

Tối 30/4/2005, xuất phát từ đền Hùng và khu vực Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP Hồ Chí Minh, đoàn xe hoa và nghệ sĩ các dân tộc từ Kinh Bắc đến đất phương Nam đã diễu hành trên đường Lê Duẩn đến Dinh Thống Nhất, mở đầu Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian TP Hồ Chí Minh 2005, với chủ đề Vinh quang, chào mừng đại lễ 30/4.

Qua từng ngã tư lớn, vang lên tiếng kèn đồng, bóng lân sư rồng và các động tác múa uyển chuyển, các tiết mục xuất sắc trích đoạn chương trình của những đoàn nghệ thuật thuộc 27 tỉnh thành trong cả nước, đã làm bừng sáng và sống động những giây phút đầu tiên của lễ hội.

Vẽ tranh tại chỗ

Đến hơn 20h00, sau lễ khai mạc vừa dứt, khu vực sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trước dinh Thống Nhất với những gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực, vui chơi, tái hiện các phong tục, lễ lạc ba miền, hát bài chòi, đánh chiêng đã đồng loạt "lên đèn" sinh hoạt. Từ phía trong cổng sắt của dinh Thống Nhất đi ra, về tay trái, sát sân khấu lớn, là gian hàng của hơn 10 nghệ nhân và thiếu nữ đến từ làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Họ mang theo khoảng 100 mẫu "gà lợn nét tươi trong", bày giữa nền nhà lợp bằng tranh và trên bàn ghế làm bằng tre. Các bộ tứ bình, tứ quý, trèo dừa, đánh ghen, đám cưới chuột, thầy đồ cóc, nghe tên rất quen nhưng sao vẫn thấy mới, thấy thích. Chắc cũng không ít người cũng đồng cảm như thế nên ngay từ phút đầu khai trương đã có hàng mấy chục người đến xem và mua những tranh in sẵn, như các bức Vinh hoa (vẽ bé trai bế gà) hoặc Phú quý (vẽ bé gái bế vịt) với giá 5.000 đồng mỗi bức. Nếu vẽ tại chỗ giá sẽ nhích hơn từ 40.000 - 60.000 đồng mỗi bức. Mực, giấy dó và nghệ nhân làng Đông Hồ mặc đồ xưa đứng sẵn đó để thực hiện những nét vẽ đặc trưng, truyền thống theo ý khách. Cụ trưởng đoàn Nguyễn Hữu Sam nói lần này đoàn mang vào rất nhiều tranh "gà": gà đàn, gà trống, gà thư hùng, gà đại cát, gà dạ xướng, vì là năm Gà.

Làm tượng gốm (nghệ nhân Bàu Trúc)

Cách gian tranh Đông Hồ khoảng vài chục bước là mô hình chiếc thuyền chứa nhiều thứ trái cây trồng ở phía Nam như chôm chôm, dừa, thơm, sầu riêng, mít, chuối, mãng cầu xiêm... Thuyền đặt trên bãi cỏ xanh mướt và dưới ánh đèn nhiều màu chiếu từ những chiếc đèn lồng hồng, xanh, vàng, cam, treo lơ lửng trên các thân cây cao dội xuống. Màu sắc, tranh ảnh, trái cây như "hợp tấu" cùng sân khấu cạnh đó thành một giao hưởng triền miên từ lòng đêm vang ra, về đất và nước. Trên các thân cây trăm tuổi, người ta mắc chỗ này một gánh hoa vạn thọ, chỗ kia mấy tàu dừa xanh um. Dưới gốc lại đặt chum và chậu đất đựng nước. Đi một đoạn, đất và nước lại ẩn hiện, hóa thân vào các loại đồ dùng, đồ ăn uống bình dị như bánh da lợn, bánh lá tre, bánh bò do phụ nữ quận 12 gói nấu tại chỗ. Gian hàng của họ cũng bằng tranh và tre. Bên hàng bánh (cái ăn) là gian dệt đồ thổ cẩm (cái mặc), gian nhạc cụ dân tộc với các loại đàn tranh, tỳ bà, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn kìm có cẩn xà cừ hoặc chạm trổ lân phượng, đám cưới đồng quê, Đinh Bộ Lĩnh cầm lau, Hai Bà Trưng cưỡi voi (cái thần). Phụ trách gian nhạc cụ này là gia đình của nghệ nhân Bá Phước, người từng ở cục R ngày trước, về Sài Gòn ngày 30/4/1975, tham gia đoàn Bông Sen và hiện vẫn yêu nghề, yêu đàn như thuở nào.

Nấu bánh ít, bánh lá tre tại lễ hội (Phụ nữ Q.12, TP.HCM)

Không xa là gian mây tre đan Đạt Hoài, do anh Đỗ Văn Hoài, sinh năm 1975, thế hệ tuổi 30 đảm trách, với nhiều vật dụng mây tre như giỏ hoa, khay, gỗ, thúng, tất cả gợi đến những chất liệu của đất và nước miền nhiệt đới. Người ta cũng thấy dưới ánh đèn cảnh hai phụ nữ dệt chiếu, từng sợi, từng sợi đan thành một chiếc chiếu nhiều màu trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Đi thêm về phía góc đường Pasteur  - Alexandre de Rhodes, đối diện bờ tường của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là gian hàng đồ gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) với hàng trăm mẫu hàng gồm tượng, bình, nồi, các đồ trang trí mỹ thuật lớn nhỏ đủ loại đủ kiểu. Cùng gian hàng điêu khắc gỗ mỹ nghệ mang hình mai hạc trăng hoa, gian hàng gốm tạo hình các vị thần, các vũ nữ, đã hợp nhất các chất liệu từ đất và nước này vào không gian văn hóa đặc trưng Việt Nam trong đêm thăng hoa của sắc màu và nghệ thuật.

Ngày 1/5, cũng tại địa điểm trên, buổi sáng sẽ có lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Chơ Ro - Đồng Nai, hội thi người đẹp trong trang phục dân tộc và hội then Kỳ Yên của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên. Đến tối, 24 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước như đoàn Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hòa Bình, Bình Thuận, Lâm Đồng,... và nghệ sĩ Indonesia biểu diễn trên cả ba sân khấu Trống Đồng, Chim Lạc, Sân Đình. Trong chương trình sẽ có lễ hội rước đất, rước nước thực hiện bởi những nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ miền sơn cước.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.