Đình Dư Hàng là một trong số những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà nhân dân xây dựng để tưởng niệm Đức đại vương Ngô Quyền (17.4.898 - 14.2.944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử VN. Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc VN.
Đình Dư Hàng xưa thuộc xã Dư Hàng Kênh, H.An Hải, TP.Hải Phòng, hiện nay thuộc P.Dư Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng. Đất Dư Hàng Kênh xưa là gò, đầm ven biển thuộc TP.Hải Phòng, năm 1215 thì hình thành nên Trang Kênh Dương, đến năm 1427 được đổi thành làng Hàng Kênh. Sau đó, dân làng xây đình Nhân Thọ để thờ bản thổ phúc thần Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Chí Thắng. Đến năm 1564, làng Hàng Kênh chia tách thành 2 làng là Hàng Kênh và làng Dư Hàng. Năm 1853, vua Tự Đức ban sắc phong Ngô Vương Quyền là Thành hoàng làng của 2 làng Hàng Kênh và Dư Hàng, 2 đình thuộc 2 làng trở thành nơi thờ tự Đức vương Ngô Quyền. Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Chí Thắng được chuyển về thờ tự tại Từ Vũ.
Năm 1907, dân làng Dư Hàng đã xây lại đình Dư Hàng to đẹp như đình Nhân Thọ ở làng Hàng Kênh. Trải qua nhiều năm tháng cùng biến cố thăng trầm của lịch sử, đình Dư Hàng đã xuống cấp và nhiều lần được trùng tu, đến năm 1992 thì hoàn thành việc tu tạo. Cũng trong năm này, đình Dư Hàng được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VH-TT-DL) cấp bằng xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ năm 2015, dân làng đã khôi phục lại mọi nghi lễ thờ cúng, tế rước theo như lệ cổ.
Ông Nguyễn Trọng Đại, Bí thư Đảng ủy P.Dư Hàng Kênh, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ hội đình Dư Hàng, cho biết: "Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Đức vương Ngô Quyền được tổ chức hằng năm từ ngày 17 - 19 tháng giêng âm lịch, trong đó ngày 18 âm lịch là ngày chính lễ đồng thời là ngày mất của vua. Năm nay lễ hội diễn ra từ ngày 7 - 9.2.2023. Trước khi diễn ra lễ hội, công tác chuẩn bị được Đảng ủy phường, các cấp chính quyền địa phương lên kế hoạch chu đáo để lễ hội diễn ra trang nghiêm, nhất là đảm bảo về an ninh trật tự".
Lễ hội bao gồm các nghi lễ: cúng Thánh, tế nam, tế cáo yết, rước Thánh, tuyên sắc, trống khai hội, tế nữ, các dòng họ, du khách thập phương dâng hương, cùng phần hội gồm biểu diễn thư pháp, biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian, ca hát chèo, quan họ… thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương đến dự. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của Đức vương Ngô Quyền, lễ hội cũng là dịp để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước đến thế hệ trẻ ngày nay.
Bình luận