Lễ rước thuyền đua từ 4 ngôi miếu thờ thuộc 4 làng của tổng Sung Tích xưa - giờ là xã Tịnh Long - được thực hiện đúng giờ và trang trọng.
Những chàng trai của 4 đội đua mặc trang phục cổ truyền đẹp mắt với 4 màu khác nhau, vồng tay anh nào cũng căng lên săn cứng. Họ là những tay đua thuyền chuyên nghiệp và cũng là những nông dân, những dân chài lưới chuyên nghiệp. Mỗi đội đua có 14 tay đua thi tài trên một chiếc thuyền mỏng và nhẹ, mũi thuyền nhọn như mũi lao để dễ xé nước lao tới đích.
Tập luyện chuyên cần trong những lúc nông ngư nhàn, trai giới tắm gội trước ngày đua, những chàng trai này coi cuộc đua thuyền như một nghi lễ thiêng liêng, và như một dịp thi tài giữa 4 thôn có đội đua nổi tiếng nhất.
Đội đua thôn An Đạo đã 17 năm liên tiếp đoạt chức vô địch đưa con thuyền vào bãi rước một cách hùng tráng: những chàng trai theo nhịp hô tung thuyền đua lên kèm những tiếng hô đồng nhịp rền vang rất khí thế. Những thuyền đua khác cũng đâu chịu kém. Họ cũng tung thuyền lên, cũng hò reo, và theo như các chàng trai thôn Tăng Long - đội đua giành giải nhì năm ngoái, thì năm nay họ quyết đoạt chức vô địch.
Thường thì lễ hội đua thuyền Tịnh Long được tổ chức tại đình làng, nhưng năm nay đình tu sửa chưa xong nên tổ chức ngay tại ủy ban xã. Một lễ hội có truyền thống lâu đời như thế, được tổ chức thường niên và thu hút rất đông đảo người dân thưởng ngoạn như thế nhưng hình như chưa được những doanh nghiệp kinh doanh để mắt tới. Thực sự, đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, khuyếch trương thương hiệu và bán hàng, nhất là những mặt hàng nông dân quen dùng.
Nếu những doanh nghiệp, những nhà sản xuất cùng vào cuộc và tài trợ, chắc chắn những lễ hội hoàn toàn của nhân dân, do nhân dân tổ chức như thế này sẽ thu hút đông đảo người xem hơn nữa, và cũng là cơ hội để kích cầu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Năm nay dù kinh tế có khó khăn, nhưng nhìn những gương mặt đầy nao nức của những người về dự lễ hội đua thuyền, tôi lại thấy một sức bật, một khí thế của mùa làm ăn sắp tới. Vì, những người về dự lễ hội đa số là những người lao động. Họ chỉ có khoảng thời gian ít ỏi trong dịp đầu năm mới để vui chơi, để giải toả những nhọc nhằn trong cả một năm nỗ lực lao động làm ăn. Không phải vô cớ mà ở Việt Nam ta, tháng Giêng lại là tháng của vô số những lễ hội.
Khí thế trước trận đua |
Đây là dịp để những người lao động nghỉ ngơi thư giãn và tìm lại những cảm hứng mới, những sức mạnh mới cho mình, chuẩn bị cho mùa làm ăn mới. Khoảng nghỉ, khoảng vui này thực sự cần thiết cho mỗi con người, nhất là cho những người lao động. Du xuân, dự lễ hội đầu năm cũng là một cách “kích cầu” cho tâm hồn mình, cho tâm linh mình, cho sự gắn bó với cộng đồng, cho tình yêu thương chia sẻ trong làng ngoài phố. Lễ hội đua thuyền Tịnh Long đã có từ lâu lắm, nhưng có lẽ, nó đặc biệt được coi trọng vào thời Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và cuộc đại phá hùng tráng ngót 30 vạn quân xâm lược nhà Thanh cách đây tròn 220 năm.
Người Tịnh Long tổ chức lễ đua thuyền vào mùng 5 Tết cũng nhằm biểu dương lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết của người Việt và cũng để tưởng nhớ vị Hoàng đế vĩ đại của mình cùng chiến thắng vang dội ngày Mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu (1789). Bởi đua thuyền là môn thể thao của tình đoàn kết, của sự hợp lực đồng tâm, và của sức mạnh cơ bắp cộng sức mạnh tinh thần, sức mạnh ý chí. Tịnh Long là miền đất ven sông Trà có phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng cũng là chiếc nôi của nhiều võ tướng lừng danh qua nhiều thời đại.
Tác giả đứng bên đội đua vô địch An Đạo |
Với thời đại Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, Tịnh Long đã góp cho Việt Nam một vị tướng tài danh: đó là thượng tướng Trần Văn Trà. Tên tuổi và công nghiệp của vị tướng sinh ra bên bờ sông Trà - nơi hàng năm diễn ra lễ hội đua thuyền này - đã được sử sách thời chống Mỹ ghi tạc. Và tên tuổi ông cũng đã sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam, nhất là đồng bào Nam Bộ. Về Tịnh Long hôm nay, chợt rưng rưng nhớ vị tướng tài ba có cuộc đời đầy phong ba, một tướng cầm quân đánh giặc nhưng cũng là một nhà thơ, một trí thức phong vận nho nhã. Đất Tịnh Long này sẽ còn phát đạt khi đã sản sinh được những con người như Trần Văn Trà.
Thanh Thảo
Bình luận (0)