Thị trấn Trường Sa hôm nay nhộn nhịp lạ thường. Người dân địa phương nói cười không dứt. Tiếng đàn của các đoàn văn công hòa cùng tiếng hát của các chiến sĩ rộn ràng át cả tiếng gió gào, sóng thét. Cả huyện đảo Trường Sa nô nức đón hơn 100 người con từ khắp mọi miền đất nước đến thăm đảo đúng vào dịp dân và quân ở đây long trọng tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt trong dịp này là có sự tham gia của đoàn công tác của tỉnh Nghệ An, với 30 đại biểu. Tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con xứ Nghệ đã biểu diễn chương trình văn nghệ, tái hiện một lễ hội Làng Sen vô cùng xúc động. Những bài hát, những làn điệu dân ca là những mắt xích nối liền nhau, tạo thành những "thước phim" tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm nhấn trong chuỗi mắt xích đó chính là thời thơ ấu của Người ở Làng Sen yên bình. Trong căn nhà tranh vách lá, người phụ nữ ngồi đưa nôi. Đứa con với gương mặt tuấn tú đang ngủ yên giữa những câu hò ví dặm à ơi của người mẹ. Và từ Làng Sen nhỏ bé đó, cậu bé lớn lên, ra đi tìm đường cứu nước, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam, trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ông Tô Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo - trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An, cho biết: "Vào tối 15.5, tại Làng Sen, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông khai mạc Lễ hội Làng Sen và chúng tôi muốn đưa không khí lễ hội đó đến với người dân và chiến sĩ ở huyện đảo. Buổi biểu diễn văn nghệ hôm nay chính là tiếp nối lễ hội Làng Sen đang diễn ra tại đất liền".
|
Trong không khí xúc động của buổi lễ ở thị trấn Trường Sa, nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy Bác như đang hiện diện tại vùng lãnh thổ máu thịt của Việt Nam.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong lòng thị trấn Trường Sa, nổi bật với lối kiến trúc đẹp mà giản dị, gần gũi như chính con người của Bác. Xung quanh nhà tưởng niệm được bao bọc bởi dãy cây bàng quả vuông sừng sững, những hàng tra san sát xanh mướt và hàng rào cây phong ba, bão táp lá nhọn hoắt như mũi mác đã lớn lên từ bao mùa sóng gió. Bên phải nhà tưởng niệm là nhà che Bia đá, lấy mẫu tại Văn Miếu Hà Nội. Bia đá được đặt trên lưng rùa, tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên trái là tháp chuông và bên trong chính điện, tượng Bác (bằng đồng, nặng hơn 1 tấn) ngồi trên chiếc ghế phóng tầm mắt nhìn ra biển. Hai bên bàn thờ treo lời dặn của Bác: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".
Chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: "Mỗi khi viếng nhà tưởng niệm Bác, anh em chiến sĩ chúng tôi như có thêm niềm tin, thêm nghị lực". Còn chiến sĩ Nguyễn Trọng Đạt thì xúc động: "Ở một thị trấn biển đảo xa đất liền như thế này, người dân và anh em bộ đội vẫn có nơi để viếng Bác, có Bác lòng anh em chúng tôi trong sáng hơn".
Bảo Thiên
Bình luận (0)