Thành Lộc kể ban đầu anh đưa kịch bản Tiên Nga cho cả hai cô đào xinh đẹp của mình là Lê Khánh và Vân Trang. Anh nói với Vân Trang: “Anh cho em tùy chọn giữa hai nhân vật Kim Liên và Võ Thể Loan đó. Anh không ép. Cứ chọn theo cảm xúc của em”. Vân Trang đọc xong kịch bản, mê vai Kim Liên quá, vì thật ra đó cũng là vai chính bên cạnh Kiều Nguyệt Nga. Nhưng sau khi phân tích "vai Kiều Nguyệt Nga đã thướt tha rồi, mà mình cũng thướt tha luôn, hai chất này giống nhau quá. Mình phải làm khác đi”, thế là cô chọn Thể Loan. Khi cô trả lời, Thành Lộc tủm tỉm cười: “Em chọn đúng ý của anh luôn”.
Thành Lộc lý giải vì Vân Trang có gương mặt hơi hiện đại, giọng nói cũng sang trọng hơn, nên vào vai Thể Loan con nhà quyền quý, chảnh chọe, rất hợp. Còn Lê Khánh có nét đẹp và giọng nói gần gũi hơn, giản dị hơn, vào vai nàng hầu đúng hơn. Nhưng anh vẫn “thử” Lê Khánh, vẫn đưa kịch bản cho cô chọn. Lê Khánh đọc vèo vèo trong 15 phút, rồi gặp Thành Lộc ngay. Thành Lộc ngớ người: “Đọc gì lẹ dữ mậy?”. Lê Khánh: “Quá mê anh ơi. Đọc quên trời quên đất”. “Vậy chọn ai?”. “Chọn Kim Liên”, cô đáp.
|
Khi chọn vai xong rồi, Lê Khánh mới bật ngửa khi nghe Thành Lộc nói: “Hát live nghe mấy cưng”. Lê Khánh than: “Anh ơi, anh cho hát sống là diễn viên sẽ chết đó”. Thành Lộc nói ngay: “Khỏi giới thiệu. Tao lên mạng biết mi đi thi hát gameshow, khán giả nói là thôi Lê Khánh lo diễn kịch là đủ rồi... Tại mi hợp vai. Nhưng ta đây sẽ cố rèn giọng cho mi”. Cô đáp trả treo: “Khà khà, rèn nổi thì rèn”.
Quả thật sau đó Thành Lộc lẫn Lê Khánh đều khá vất vả để rèn luyện ca hát. Nhưng bù lại, cô rất thông minh khi diễn xuất. Nhân vật Kim Liên tuy ít học nhưng sinh động, lém lỉnh, yêu nước, dũng cảm. Cô đã thay thế vị trí của Nguyệt Nga, nhưng đã không làm cô dâu mà làm thích khách định giết vua xứ Ô Qua. Nhưng phận liễu yếu đào tơ làm sao chống được bầy lang sói... Lê Khánh đã diễn rất hay đoạn này. Kim Liên tuy cầm cây đao nhỏ nhưng tay cô vẫn run rẩy, và gương mặt dù kiên định vẫn pha nét bần thần, sợ hãi khi thấy bọn lính cầm đao kiếm vây quanh. Gương mặt rất thương, vừa như phụ nữ, vừa như đứa trẻ, bất khuất nhưng mỏng manh, dũng cảm nhưng yếu ớt. Diễn như vậy mới thật. Diễn như vậy mới ra một người chưa quen vũ khí, chưa quen giết chóc, chỉ vì trách nhiệm mà đứng lên, chỉ vì yêu nước mà xả thân. Nếu cô chỉ diễn theo một chiều anh hùng thì sẽ thấy giả ngay lập tức. Khi cô ngã xuống là lúc cụ Đồ Chiểu cất lên những lời da diết của Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc và nước mắt khán giả lăn dài.
Qua vai diễn của Lê Khánh, khán giả thấy được có gì đó rất tương đồng giữa Kim Liên và những người anh hùng áo vải đất phương Nam. Vũ khí thô sơ, quen lo cày cấy, hiền hậu thanh bình, nhưng khi Tổ quốc cần thì đứng lên cầm vũ khí diệt giặc. Thành Lộc muốn nói rằng Kim Liên chính là nghĩa sĩ, sinh ra từ nhân dân và chết đi trong lòng nhân dân, ngàn đời Tổ quốc ghi công.
|
|
Lê Khánh nhận được những tràng vỗ tay vang dội. Nhiều người ngạc nhiên vì chỉ thấy cô đóng hài mà thôi. Nhưng thực ra Lê Khánh đã đóng những vai bi rất hay. Vở Một cuộc đời bị đánh cắp tại sân khấu Idecaf cách đây khoảng 10 năm, Lê Khánh vào vai nhân vật Kây, một nữ doanh nhân người Nhật nổi tiếng, giàu có, nhưng bị cuộc sống thời hiện đại cuốn đi, đến nỗi đánh mất cả tình yêu, cả con cái, cuối cùng là một tuổi già cô đơn tội nghiệp. Lê Khánh diễn chững chạc vô cùng, khán giả cũng khóc vì cô.
Đến vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong Bí mật vườn Lệ Chi thì Lê Khánh càng bộc lộ khả năng đóng chính kịch. Nhân vật này rất nặng về tâm lý, đủ các cung bậc, khi chuyên quyền, khi ác độc, khi ăn năn, khi đau khổ vì mất con, khi cầu cạnh Nguyễn Trãi cứu nước, khi căm ghét Nguyễn Trãi... đều được Lê Khánh diễn xuất thần.
Cho nên so với các vai đã nói thì vai Kim Liên không làm khó được cô. Chỉ khó ở chỗ... hát mà thôi. Nhưng dù hát không hay lắm thì nghe cũng lọt tai chứ không đến nỗi nào. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đức Trí đã khôn khéo gỡ bí cho Lê Khánh, là chỉ viết nhạc cho cô hát có hai đoạn thôi, lúc đi với Nguyệt Nga và lúc sắp chết. Lê Khánh bật cười: “Khà khà, chết là khỏe dễ sợ! Em yêu anh Đức Trí”.
Bình luận (0)