(TNO) Từng có mối thâm thù truyền kiếp, quyết "thề độc” trai gái không bao giờ lấy nhau nhưng trải qua thời gian, những oán hờn, thù giận ở hai ngôi làng Cổ Loa và Dục Tú (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội) đã được hóa giải.
>> Đừng để 'phép vua thua lệ làng
>> Lệ làng' cản trở đầu tư của kiều bào về nước
>> Thành cổ Sơn Tây "Phép vua thua lệ làng
>> Chống trộm bằng lệ làng
>> Có hay không lệ làng của các "quan phường" ở Hà Nội ?
Nguồn cơn oán giận
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 30 km, hai ngôi làng Cổ Loa và Dục Tú (nay là xã Cổ Loa và Dục Tú) nằm ven theo đôi bờ của sông Hoàng Giang thơ mộng.
Nhìn bề ngoài, hai ngôi làng mang dáng vẻ bình yên như bao làng quê khác. Nhưng ít ai nghĩ rằng, Cổ Loa và Dục Tú có mối thâm thù truyền kiếp từ hàng trăm năm về trước chỉ vì những xô xát đụng độ liên quan đến đất đai.
Cụ Chu Văn Chuyên (94 tuổi, ở thôn Dục Tú, xã Dục Tú) kể lại: Tương truyền, vào năm 938, sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, trong một lần qua sông Hoàng Giang vãn cảnh, Ngô Quyền nghe thấy tiếng hát ngọt ngào của một người con gái cắt cỏ ven sông.
|
Người con gái cứ ngân nga câu hát hai lần: “Tay cầm bán nguyệt sênh sang/Trăm ngàn vạn cỏ đầu hàng tay ta”. Khi đoàn rước kiệu vua sắp tới, quân lính xuống ra lệnh dẹp đường nhưng người con gái kiên quyết không tránh.
Lập tức, nhà vua xuống kiệu để xem mặt người con gái kia là ai mà dám chống lệnh. Tuy nhiên, thoạt nhìn đã thấy toát lên vẻ thông minh, tài sắc, khẩu khí hiên ngang nên vua đã đem lòng yêu mến rồi đón về cung, phong làm thứ phi.
Theo sử xưa ghi lại, người con gái nhắc đến trong câu chuyện kể trên là bà Đào Thị Sa (quê gốc ở làng Dục Tú bấy giờ). Về sau, do không sinh hạ cho vua được người con nào nên bà Sa xin được lui về quê sinh sống.
Mặc dù vua ban cho nhiều vàng bạc châu báu nhưng bà chỉ có duy nhất nguyện vọng xin vua cấp đất cho dân làng cày cấy. Bà thả quả bầu trên sông Hoàng Giang trôi đến đâu thì vua sẽ cấp đất đến đó. Thế nhưng, xuôi dòng tới cầu Đùng lại gặp dòng xoáy nước nên quả bầu đã trôi ngược lại.
Quả bầu trôi đến cửa đình Cổ Loa được trồng cây đa đánh dấu để làm mốc phân chia “Đình Cổ Loa, cây đa Dục Tú”. Tên bà sau đó cũng được đặt thành tên chợ Sa. Thế nhưng khi vua mất, giữa Cổ Loa và Dục Tú bắt đầu nảy sinh chuyện tranh giành đất đai.
Theo sử sách chép lại, trước đây vùng Dục Tú có tất cả 9 thôn (bây giờ là 11 thôn) nhưng duy chỉ có thôn Tiền (nay là thôn Dục Tú, xã Dục Tú) có mâu thuẫn tranh chấp với người dân Cổ Loa.
|
Về sau, cứ triền miên năm này qua năm khác, Cổ Loa liên tục kiện tụng đòi đất vua ban cho Dục Tú. Oái oăm thay, năm nào đi kiện phần thắng cũng thuộc về Dục Tú càng làm cho mâu thuẫn thêm oán hờn gay gắt, xảy ra nhiều cuộc xô xát đụng độ.
Đỉnh điểm là khi hai làng thề độc “trai gái hai làng không bao giờ lấy nhau”, với lời nguyền “có lấy nhau cũng không được hạnh phúc”. Cụ Nguyễn Thị Thúy An (73 tuổi), người trông coi chùa thôn Dục Tú cho biết, dân làng Dục Tú còn khắc đá lời nguyền ấy vào bia đá dựng trong chùa.
Hóa giải lời nguyền
Trải qua hàng trăm năm, mối thâm thù càng gay gắt, người dân hai làng Cổ Loa - Dục Tú “đoạn tuyệt” tất cả mối quan hệ. Trai gái hai làng cũng không bao giờ kết hôn. Một phần vì dân làng phản đối, ngăn cách, một phần vì sợ lời nguyền khắc trên bia đá nên trai gái yêu nhau cũng không dám đi ngược lại quy định của cha ông từ đời trước để lại.
Nhưng đó là chuyện cũ. Còn bây giờ, mọi thứ đã đổi thay. Cổ Loa, Dục Tú giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Gốc đa, bến nước - dấu tích một thời xô xát đụng độ vẫn còn đó nhưng bộ mặt của làng quê đang thay đổi từng ngày. Người dân hai làng đã gột rửa mối thâm thù, hóa giải được lời thề độc năm xưa...
|
Theo cụ An, cho tới những năm 1954, cuối cùng cuộc tranh chấp của 2 làng đã có hồi kết khi Dục Tú tự nguyện cắt đất chia cho Cổ Loa. Theo đó, chợ Sa thuộc về Cổ Loa, đường thẳng nối dài ra tới đình Cổ Loa là đường phân ranh giới, phần đất phía dưới thuộc về Dục Tú, còn phần đất phía trên của Cổ Loa.
Vượt qua sự ngăn cấm của họ hàng nội tộc và lời nguyền “trai gái hai làng lấy nhau sẽ không hạnh phúc”, bằng tình yêu chân thành, về sau nhiều cặp đôi ở Cổ Loa và Dục Tú đã kết hôn vợ chồng.
Trong tiềm thức của mình cụ An vẫn còn nhớ như in cặp đôi đầu tiên hóa giải lời nguyền cách đây 36 năm về trước là một người con gái tên Yên (ở Cổ Loa) và anh Quế (ở Dục Tú). Cụ An tiết lộ, chẳng đâu xa lạ, hai người đó chính là em dâu và em trai của cụ bây giờ. Về sau, chính con gái của cụ An cũng lấy chồng ở Cổ Loa.
Cụ An bảo, thời gian đầu các cụ trong làng còn ngăn cấm kịch liệt nhưng ngày càng có nhiều nam nữ hai làng yêu nhau nên cũng không ngăn cản nữa. Từ đó cho tới nay, theo nhẩm tính của các cụ cao niên trong làng, có tới gần 20 cặp trai gái Cổ Loa - Dục Tú cưới nhau.
Và có một điểm chung lạ là tất cả các đôi lứa ở hai làng đến với nhau vẫn sống yên bình, sinh con đẻ cái, gia đình đều sum vầy, hạnh phúc như chưa từng có lời nguyền nào truyền tụng trước đó.
Nhắc tới “lệ” xưa, chị Ngọc - cán bộ thư pháp xã Dục Tú, bản thân cũng lấy chồng Cổ Loa nói như minh chứng: “Câu chuyện hai làng tranh chấp đất đai, thù oán không được kết hôn thì ai cũng được nghe. Thế nhưng bây giờ trai gái hai làng cứ chân thành yêu nhau là kết hôn, chẳng ai để ý tới lời nguyền”.
Còn anh Ngô Văn Tùng - cán bộ phụ trách văn hóa xã Cổ Loa thì quả quyết: “Hiện tại không còn chuyện ngăn cản cấm đoán trai gái ở Cổ Loa và Dục Tú kết hôn nữa. Năm nào ít nhiều cũng có vài ba cặp ở hai làng cưới nhau. Thậm chí, lời nguyền ngày xưa của các cụ để lại giới trẻ cũng không quan tâm nhiều và không biết nữa”.
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)