Nhà văn hóa Phan Kế Bính cho biết ngày trước làng nào cũng có “tha ma mộ địa”. Chỗ đó, “có lập một cái am năm ba gian hoặc xây bệ thờ lộ thiên, đề ba chữ “hàn lâm sở” để thờ chung những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh... Về ba tháng hè thì cứ ngày rằm, ngày mùng một nấu cháo cúng, đổ vào cái lá đa cuộn tròn lại, cắm hai bên dọc đường gọi là cúng các quan, hoặc gọi là cúng bách linh. Cho nên tục có câu rằng: “cướp cháo thí lá đa”, là nói những người vô hậu”.
Tại Đà Nẵng có Nghĩa trủng ở Phước Ninh, nay chuyển về H.Hòa Vang - nơi thờ chung những nghĩa quân đã bỏ mình vì nước trong cuộc chiến chống Pháp đầu tháng 9.1858 - cuộc chiến mở đầu trang sử cận đại VN. Trên tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,2 m, rộng 0,8 m viết dưới thời vua Tự Đức, năm 1876, có đoạn: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua”. Ban đầu, trong lúc chiến đấu việc mai táng chỉ tạm thời qua loa, về sau, ông Nguyễn Quý Linh, làm chức sung chánh thương biện Hải Phòng đã khởi xướng lập nghĩa trủng này. Nhân dân địa phương với tinh thần như văn bia đã ghi, hưởng ứng nhiệt tình quy tập gần 3.000 hài cốt nghĩa sĩ theo hướng đông - tây - nam - bắc, bên ngoài khu nghĩa trủng có thành đất bao bọc.
Đêm 4.7.1885, danh tướng Tôn Thất Thuyết chỉ huy tấn công đồn Mang Cá (Huế) đang do quân Pháp chiếm đóng - mở đầu phong trào Cần Vương. Trước sức kháng cự của địch, hàng ngàn nghĩa quân, lương dân đã hy sinh. Từ đó về sau Huế có ngày Lễ tế âm hồn (23.5 âm lịch), ngày này đã trở thành ngày “quẩy cơm chung” hằng năm của cả TP.Huế để tưởng niệm tất cả những người đã thiệt mạng trong cơn binh lửa, dù đó là nghĩa quân hay dân thường.
Sự san sẻ nỗi đau mất mát đã trở thành một tập quán đẹp của người Việt, thể hiện ý thức của người sống chung trong cộng đồng, gắn kết người đang sống cư xử với nhau có tình có nghĩa hơn.
Một trong những bài văn tế hay nhất, nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học VN là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu. Qua bài văn tế này, cụ Đồ Chiểu cho biết ý nghĩa sâu xa của việc tưởng nhớ nghĩa sĩ đã khuất: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”. Rõ ràng, dù về chín suối nhưng hào khí ấy vẫn đồng hành cùng người đương thời. Những người bỏ mình vì việc nghĩa đã sống mãi, lưu danh muôn đời cùng non sông đất nước.
Hai đàn tế thời vua Minh Mạng
Dù rằng, lúc giao chiến giữa hòn tên mũi đạn, một mất một còn: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), thế nhưng, khi kẻ thù đã bỏ mạng sa trường thì dường như người Việt không còn lòng thù hận nữa. Trên đường vào cảng Tiên Sa, thuộc P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà (Đà Nẵng), nay vẫn còn nghĩa địa chôn cất lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng trong cuộc chiến xâm lược nước Nam vào năm 1858. Nghĩa địa này nằm ở phía đông mũi Mỏ Diều và Đảo Cò mà người dân địa phương gọi là nghĩa trang Y Pha Nho. Nơi ấy, những người ngoại quốc nằm xuống đến nay vẫn mồ yên mả đẹp, chứ chốn yên nghỉ cuối cùng của họ không bị lòng căm thù phá hủy.
Tôi không rõ, mùa thu năm 1821, vua Minh Mạng lúc xa giá ra Bắc, ngài có nhớ đến Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du hay không: “Khi thất thế, tên rơi đạn lạc/Bãi sa trường, thịt nát máu trôi/Mênh mông góc bể chân trời/Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?”. Có lẽ do cảm thương những thân phận đáng thương ấy nên ngài có phép ứng xử đúng theo cốt cách tinh thần dân tộc Việt.
Đại Nam thực lục chính biên cho biết khi ra đến Quảng Bình: “Vua lên thành xem lũy cổ, cùng với thị thần bàn về việc Nam Bắc phân tranh thời quốc sơ. Lại đến cửa biển Nhật Lệ ngắm xem hồi lâu. Cho tế tướng sĩ trận vong Nam Bắc (đàn nam tế tướng sĩ thời quốc sơ; đàn bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc). Dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém”. Rồi đặc sai Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mạng đến tế”. Câu “Người Bắc chống nhau với ta”, ý muốn nói quân Đàng Ngoài/Bắc Hà của vua Lê, chúa Trịnh tiến quân đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong/Nam Hà. Nhưng khi đã lên ngôi cửu trùng, ngài vẫn đặt đàn tế, không phân biệt “địch/ta”.
Lòng nhân ái, sự lễ nghĩa của người Việt là thế đấy. Khi đã chết, dù trước đó họ đứng ở chiến tuyến nào cũng được đối xử tử tế. Nghĩa tử là nghĩa tận.
Bình luận (0)