Lê Quang Định- một trong 'Gia Định tam gia” và những công trạng với triều Nguyễn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/04/2021 15:01 GMT+7

Trong số các 'Gia Định tam gia' xuất chúng từng là học trò của danh sĩ đất Gia Định xưa Võ Trường Toản thì ngoài Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh còn có Lê Quang Định. Tên ông hiện còn được đặt tên đường ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Lê Quang Định có tên tự là Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai. Ông sinh năm 1759 tại H.Phú Vinh, phủ Thừa Thiên, có cha tên là Sách, làm quan nhỏ, chức Thủ ngự nhưng không may mất sớm. Gia cảnh bần cùng lại gặp lúc gia cảnh khó khăn nên khi còn rất nhỏ, Lê Quang Định đã theo anh tên Hiến vào đất Gia Định, cư ngụ ở huyện Bình Dương và thọ giáo cụ Võ Trường Toản.

'Nhất Thống dư địa chí' - công trình tâm huyết để đời của Lê Quang Định

Kể về nhân vật Lê Quang Định, tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức vừa ấn hành) đề cập như sau: “Cũng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định đầu quân dưới trướng chúa Nguyễn Ánh từ năm 1788, cũng giữ chức Hàn lâm viện chế cáo, sau chuyển qua chức Điền tuấn mới được thiết lập, cùng với 11 người khác, trong đó có Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh, chia nhau đi 4 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Vĩnh Trấn và Trấn Định để khuyên nhủ người nông dân ra sức làm ruộng, mộ dân lập làm điền tốt, cấp cho ruộng hoang, trâu cày, nếu không đủ thì nhà nước cho vay, sau mùa gặt thì nộp thóc trả nợ. Điều này cho thấy ngay khi mới khôi phục đất Gia Định, còn muôn vàn khó khăn trước mắt, chúa Nguyễn Ánh đã nghĩ ngay đến việc ổn định đời sống nông nghiệp của người dân, phải là một nhà lãnh đạo có óc nhìn xa trông rộng mới làm được như thế”.

Trường thi hương Gia Định trên bản đồ Trần Văn Học 1815

Ảnh: T.L

Cũng theo tư liệu mới công bố của tác giả Lê Nguyễn: "Năm 1793, từ chức danh Đông cung Thị giảng, Lê Quang Định được thăng Hữu Tham tri Binh bộ và tham gia tích cực vào cuộc chiến đến hồi ác liệt giữa quân nhà Nguyễn và quân Tây Sơn, đặc biệt là trận thủy chiến Thị Nại năm 1801 và lúc quân Tây Sơn vây khốn thành Quy Nhơn dưới quyền Hậu quân Võ Tánh. Năm 1802, chỉ trong hai thời điểm gần nhau, vua Gia Long đã cử hai sứ bộ sang Trung Quốc. Sứ bộ trước do Trịnh Hoài Đức dẫn đầu khởi hành vào tháng 5 AL năm 1802, mang theo sắc phong và ấn tín của nhà Tây Sơn để chính thức thông báo với Thanh triều sự tan rã của nhà Tây Sơn, đồng thời giải giao mấy tên cầm đầu hải tặc người Hoa như một “món quà” trong quan hệ khởi đầu giữa hai nước".
Tiếp đó, nhờ có nhiều công trạng nên sáu tháng sau (tháng 11 AL), Lê Quang Định được thăng từ Tham tri lên Thượng thư Binh bộ. Ông còn được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh xin tuyên phong và thỏa thuận việc đổi quốc hiệu là Nam Việt. Lúc ấy sứ bộ Trịnh Hoài Đức vẫn còn ở Quảng Tây theo yêu cầu của hoàng đế nhà Thanh, để chờ sứ bộ Lê Quang Định sang rồi cùng đến Yên Kinh một lượt.

Tượng danh sĩ Võ Trường Toản ở Bến Tre, người thầy của học trò xuất sắc Lê Quang Định

Ảnh: T.L

Sách đã dẫn còn kể: "Năm 1804, Án sát sứ Quảng Tây là Tề Bố Sâm được cử làm sứ thần nhà Thanh sang nước ta tuyên phong vua Gia Long và đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Từ những năm đầu triều Gia Long, Lê Quang Định đã dành thời gian cho công trình khảo cứu quan trọng được ông thực hiện, đó là sách Nhất Thống dư địa chí gồm 10 quyển, ghi chép các chi tiết về địa lý từ Lạng Sơn vào đến Hà Tiên, 'phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép lấy …”.
Được biết, năm 1806, Lê Quang Định đã dâng lên nhà vua công trình tâm huyết này của mình và đây là sách địa chí đầu tiên được biên soạn công phu, đặc biệt về hệ thống đường thủy lẫn đường bộ của nước ta. Ngoài địa chí, sách còn ghi lại các truyền thuyết, giai thoại trong lịch sử, thơ văn gắn liền với đời sống và sông núi từng vùng góp phần đưa công trình Nhất Thống dư địa chí trở nên là một thành tựu quan trọng trong cuộc đời của Lê Quang Định.
Lê Quang Định – một trong Gia Định tam gia mất vào năm 1813. Dù chỉ mới 54 tuổi nhưng với nhiều công trạng lớn cho đất nước, ông xứng đáng là một công thần của triều Nguyễn, một học trò xuất sắc của danh sĩ Võ Trường Toản trên đất Gia Định xưa. (Còn tiếp)....
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.