Sách sử ghi chép rất rõ sự kiện vua Lê Đại Hành thực hiện nghi lễ Tịch điền vào năm Thiên Phúc thứ 8 (987): “Nhà vua cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng, năm sau cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân” (Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển I).
Theo đó, ngày giờ hành lễ Tịch điền do Khâm Thiên Giám chọn, thường thì cùng ngày với lễ Tế đàn Thần Nông. Nhà vua sẽ ngự trên một chiếc xe, đem theo cày bừa đi thẳng tới sở tịch điền, có văn võ bách quan theo hầu, quân lính và dân chúng theo sau trước khi hành lễ.
Vua Minh Mạng cho khôi phục lại nghi lễ này và coi như một đại lễ quan trọng |
T.L |
Vào đời Lý, khi tổ chức lễ Tịch điền, trước hết quan Hữu ty phải chọn đất đắp đàn, đặc biệt là đàn Tiên Nông (thờ Thần Nông) để làm nơi tế tự. Địa điểm hành lễ thường là ở những mảnh ruộng tốt (nhất đẳng điền). Các hạt giống dùng để gieo trồng thường là lúa nếp thơm, nếp trắng, thích hợp cho vụ mùa và đất canh tác...
Vua vào tế Thần Nông, cầu cho mùa màng tươi tốt rồi tự cầm cày xới 3 đường ruộng. Về sau, các đời vua Lý, Trần... đều tuân theo phép tắc cũ, tiến hành lễ Tịch điền rất trọng thể. Đến thời nhà Hồ thì lễ này mai một, hầu như không còn được tổ chức.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết thêm: “Vua Gia Long đã quy định ruộng tịch điền và vua Minh Mạng khôi phục lại nghi lễ này và coi như một đại lễ quan trọng. Vua Minh Mạng từng xuống dụ xem việc này "thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả". Nhà vua còn cho khảo sát lại nghi thức cử hành đại lễ này dưới các triều đại vốn cho rằng quá giản lược, vì thế tháng 2 âm lịch năm 1828 vua giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành thông lệ lâu dài. Đại lễ kéo dài 5 ngày vào mỗi tháng 5 âm lịch (tháng trọng Hạ) tại ruộng tịch điền phường An Trạch và Hậu Sinh, kinh thành Huế”.
Chuẩn bị cho lễ Tịch điền xưa |
T.L |
Tại kinh thành Huế, trước ngày lễ 5 hôm, nhà vua lại ngự ra xem dân tập cày. Cũng theo Wikipedia: “Đến triều Tự Đức, nghi lễ được tu chỉnh cho bớt rườm rà và phù hợp với hoàn cảnh hơn. Từ nghi thức cho đến cách tổ chức, quy định người cày rõ ràng, nghiêm túc, thành kính vì nhà Nguyễn xem đây là một nghi lễ hết sức quan trọng thể hiện lòng trọng nông nghiệp của triều đình. Theo đó, sau nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, 3 lần đẩy cày đi, 3 lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên, chỉ những người chức cao bổng hậu mới được tham dự, cày 5 lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông... lần lượt cày cho đến khi kết thúc”.
Các nước châu Á cũng rộn ràng với lễ Tịch điền
Lễ Tịch điền là một nghi thức hoàng gia cổ xưa, được tổ chức ở nhiều nước châu Á nhằm đánh dấu sự bắt đầu mùa trồng lúa theo truyền thống. Ở Thái Lan có lễ Phuetcha Mongkhon, ngày và giờ chính xác tổ chức lễ này hằng năm do các thầy tu Bà La Môn ấn định.
Trong những năm gần đây, vua Vajiralongkorn đã chủ trì lễ Phuetcha Mongkhon tại Sanam Luang, Bangkok. Lúa được trồng trong khuôn viên Hoàng gia Chitralada, những người đến xem sẽ thu thập hạt giống đem về trồng và xem đó là điềm lành.
Lễ Cày Phuetcha Mongkhon ở Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của nông dân trong nền kinh tế Thái Lan |
asianews.it |
Người Campuchia có Lễ Cày Hoàng gia, còn gọi là Lễ hội cày bừa, khởi nguồn từ thời Phù Nam (thế kỷ 1-6), du nhập từ Ấn Độ cổ đại. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Hoàng gia Khmer, được thực hiện hằng năm ở Campuchia.
Lễ Tịch điền năm 2020 của Hoàng gia Campuchia được ấn định vào ngày 10 tháng 5, tuy nhiên bị hoãn lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid -19 tại vương quốc này.
Theo biên niên sử Myanmar, lễ Tịch điền được tổ chức từ cuối thế kỷ thứ 6 trong triều đại Pagan, do các vị vua Htuntaik, Htunpyit và Htunchit thực hiện. Trong nghi lễ này, nhà vua cày một cánh đồng được chỉ định cụ thể gọi là ledawgyi. Các thầy tu Bà-la-môn sẽ cầu nguyện, cúng dường 15 vị thần Hindu và 37 vị thần chính (linh hồn bản địa).
Một tranh vẽ năm 1907 mô tả buổi Lễ cày ruộng của hoàng gia Myanmar (Miến Điện) |
T.L |
Cảnh Lễ Cày Hoàng gia Campuchia do Norodom Sihamoni, Quốc vương Campuchia chủ trì |
boreiangkor.com |
Lễ này bắt đầu vào mùa chay Phật giáo, tức vào tháng Waso (tháng 6 đến tháng 7) của người Miến Điện, một nghi thức để ủng hộ thần mưa (Moe Khaung Kyawzwa), nhà vua sẽ hành lễ và tự thể hiện mình như một nông dân.
Ở Nhật Bản cũng có lễ Tịch điền, với tư cách là thầy tế lễ Thần đạo, Thiên hoàng sẽ gieo hạt lúa đầu tiên vào cánh đồng trong khuôn viên của Hoàng cung Tokyo. Ngài cũng là người thực hiện vụ thu hoạch đầu tiên theo nghi thức.
Bình luận (0)