Truyền thống đi sau về trước
Ở EURO 2012, đội tuyển Ý nằm chung bảng đấu rất khó với Tây Ban Nha, Croatia và CH Ai Len. Phải đến tận loạt trận cuối cùng vòng bảng, Ý mới tìm được chiến thắng 2-0 trước CH Ai Len, vượt lên trên Croatia để giành vị trí nhì bảng, giống hệt như EURO 2024. Ấy vậy mà năm đó đội tuyển Ý vào đến tận trận chung kết, chỉ chịu thua Tây Ban Nha - đội vốn không có đối thủ trên toàn thế giới trong khoảng thời gian nói trên.
Nhưng ly kỳ nhất đối với bóng đá Ý là 2 kỳ World Cup 1994 và 1982. Họ cực kỳ vất vả ở vòng ngoài, ngỡ đâu đã bị loại, nhưng sau đó tiến đến tận trận cuối cùng.
Ở World Cup 1994 trên đất Mỹ, đội tuyển Ý nằm chung bảng E với các đội Mexico, CH Ai Len và Na Uy. Đội bóng áo màu thiên thanh thua CH Ai Len 0-1 ngay trong trận ra quân, may mắn thắng Na Uy 1-0 ở lượt trận thứ 2 vòng bảng, hòa Mexico 1-1 ở lượt trận thứ 3. Ý vào vòng 16 đội bằng vé vớt dành cho 1 trong 4 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất vòng bảng.
Sau đó, Ý lần lượt thắng Nigeria 2-1 ở vòng 16 đội, thắng Tây Ban Nha 2-1 ở tứ kết và thắng Bulgaria cũng với tỷ số 2-1 ở bán kết. Từ vòng bảng cho đến trận chung kết, Ý chưa bao giờ thắng với cách biệt quá 1 bàn mỗi trận. Họ chỉ chịu thua Brazil trong trận chung kết sau loạt sút luân lưu, với pha đá hỏng phạt đền đầy nước mắt của thần tượng Roberto Baggio.
Trước đó 12 năm, bóng đá Ý tạo nên câu chuyện khó tin tại World Cup 1982 trên đất Tây Ban Nha. Ở vòng đấu bảng thứ nhất (World Cup 1982 có 2 vòng đấu bảng), Ý không thắng trận nào, họ toàn hòa 3 trận trước Ba Lan (0-0), Peru (1-1) và Cameroon (1-1). Họ vào vòng sau nhờ vé nhì bảng và nhờ hơn đội xếp thứ 3 Cameroon chỉ số phụ. Lê lết qua vòng bảng đầu tiên, nhưng Ý lại bất ngờ đánh bại 2 ông lớn của bóng đá Nam Mỹ gồm Argentina (đương kim vô địch, 2-1) và Brazil (3-2) ở vòng đấu bảng thứ 2, để giành vé duy nhất trong bảng vào bán kết.
Trong các trận bán kết và chung kết, Ý thắng Ba Lan 2-0 và Tây Đức 3-1, giành ngôi vô địch. Đấy là giải đấu mà chân sút Paolo Rossi của đội tuyển Ý mãi đến trận thứ 5 tại giải (gặp Brazil) mới khai hỏa, nhưng rốt cuộc ông giành danh hiệu vua phá lưới với 6 bàn thắng.
Những yếu tố không thể xem thường
Khởi đầu chậm ở các giải đấu lớn gần như đã là một phần truyền thống của đội tuyển Ý. Khởi đầu chậm sau đó trở nên đáng sợ, mạnh mẽ ở vòng trong cũng là một phần truyền thống khác của đội bóng áo màu thiên thanh.
Sở dĩ có hiện tượng này vì đầu tiên thể thức thi đấu của vòng đấu bảng và vòng đấu knock-out không giống nhau.
Đội tuyển Ý thường không mạnh ở vòng bảng, không mạnh trong việc tấn công áp đặt giành chiến thắng, giành 3 điểm ở các trận vòng bảng, nhưng cực kỳ lợi hại khi đá để không thua ở vòng đấu loại trực tiếp, đá theo kiểu cố gắng giữ hòa rồi rình rập cơ hội trong các đợt phản công, dựa vào lối chơi phòng ngự phản công đã được họ nâng lên tầm nghệ thuật.
Thứ nhì, các HLV người Ý cực giỏi về mặt chiến thuật, giỏi ở khả năng đọc trận đấu và phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của đối phương. Sau khi nhìn thấu hết lối chơi, nhìn thấu hết thói quen của các đối thủ qua vòng bảng, các HLV người Ý thường có đối sách khác hẳn với chính các đối thủ mà họ sẽ đụng độ ở vòng knock-out, khiến đối thủ trở tay không kịp.
Thứ ba, các tiền đạo người Ý có thói quen “nóng máy” chậm ở các giải đấu lớn. Ngoài trường hợp của Paolo Rossi ở World Cup 1982 đã nêu ở trên, Roberto Baggio tại World Cup 1994 cũng phải tận đến vòng 16 đội, tức từ trận đấu thứ 4 của đội nhà tại giải năm đó mới ghi bàn. Sau đó Baggio ghi liền 5 bàn, đưa đội Ý thẳng tiến vào trận chung kết.
Thành ra, EURO năm nay, ngay cả khi những Scamacca, Retegui hay Chiesa chưa ghi bàn cũng đừng vội đánh giá quá thấp họ. Biết đâu, từ vòng 16 đội, họ sẽ khác hẳn so với chính mình các trận đấu trước đó.
Ví dụ như trường họp của chính Chiesa ở EURO 2020. Cầu thủ này chỉ ghi 2 bàn trong suốt giải, cả 2 bàn thắng này đều chỉ xuất hiện từ giai đoạn knock-out: 1 bàn ghi vào lưới đội Áo ở vòng 16 đội, bàn còn lại ghi vào lưới Tây Ban Nha ở bán kết. Nhiêu đó đủ hiệu quả rồi. Thế nên, chỉ cần những tiền đạo đội Ý tỏa sáng đúng thời điểm, các đối thủ của đội tuyển Ý có khi phải ôm hận mãi mãi!
Bình luận (0)