Lê Xuân - người cần mẫn đi tìm vẻ đẹp trong văn hóa dân gian Nam bộ

10/01/2021 14:30 GMT+7

Nhà phê bình Lê Xuân đã dành khá nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và khám phá vẻ đẹp của văn hóa - văn nghệ dân gian Nam bộ. Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian là tập Tiểu luận - Khảo cứu mới nhất của Lê Xuân.

Người ta biết đến Lê Xuân với tư cách là một nhà giáo, một nhà báo, một nhà phê bình văn học. Ở cương vị nào anh cũng là người cẩn trọng, nghiêm túc, làm việc khoa học và hiệu quả. Anh được đánh giá là một trong những cây bút phê bình văn học gạo cội ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tập sách Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020) là tư liệu quý, với cách nhìn và khám phá mới mẻ, vừa mang tính khoa học nhưng giàu chất văn chương của Lê Xuân vừa được tặng thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2020.
Tất thảy 32 bài viết trong tập sách đều rất ấn tượng. Càng đọc tôi càng trân quý và cảm phục sự miệt mài, chắt lọc, nghiêm cẩn của Lê Xuân. Bởi ở mỗi bài viết, nhà phê bình Lê Xuân đã đi tìm “vẻ đẹp”, khơi nguồn, truy khảo đối tượng một cách rốt ráo theo vốn hiểu biết, sự tinh nhạy và kinh nghiệm cá nhân ông.
Trong phần thứ nhất của cuốn sách - Bàn luận về ca dao, dân ca, tục ngữ: cả 12 bài đều với lối viết khá hay, gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, những vấn đề mà lâu nay nhiều người còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa chuẩn xác. Chẳng hạn ở bài ca dao: Mình nói với ta, Gái thương chồng, Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình... Lê Xuân đã có cách lý giải, dẫn dắt, biện luận theo cách riêng của mình. Nhưng tất cả đều hợp tình, hợp lý và rất logic.
Đáng quý hơn, nhà phê bình Lê Xuân đã dành khá nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và khám phá vẻ đẹp của văn hóa, văn nghệ dân gian Nam bộ. Chẳng hạn bài: Ca dao về tình yêu đôi lứa dùng từ Hán ở Nam bộ, Hình ảnh cây cầu trong ca dao - dân ca Nam bộ, Bàn thêm về bài ca dao “Tưởng giếng sâu qua nối sợi dây cụt” của Nam bộ. Đặc biệt kiến trúc đình chùa, lễ hội, đờn ca tài tử, ẩm thực Nam bộ được nhà phê bình Lê Xuân dành trọn trong phần thứ hai của cuốn sách. Độc giả được khám phá, trải nghiệm qua những trang viết lôi cuốn, hấp dẫn. Biết được Long Quang cổ tự - ngôi chùa xưa nhất ở Cần Thơ; Tết Đon-ta và hội đua bò Bảy Núi ở An Giang; Tết Chol-chnam-thmay của người Khmer Nam Bộ; Lễ Ok-om-bok của người Khmer Nam bộ; Món ăn dân dã Nam bộ qua ca dao... Đây có thể coi là những tư liệu nền tảng, quý giá cho những ai nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này, bởi lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ có nhiều điều khá phức tạp, đặc biệt hơn những vùng đất khác.
Hình ảnh 12 con giáp trong phần thứ ba của cuốn sách là 12 bài viết sắc nét, giúp người đọc tri nhận những kiến thức cần thiết nhất, hữu ích nhất. Cái tưởng chừng gần gũi, giản đơn mà hóa ra vô cùng trừu tượng, phong phú và hấp dẫn. 12 con giáp được Lê Xuân mổ xẻ nhiều chiều, được minh chứng cụ thể trong ca dao, tục ngữ và cả trong thơ ca.
Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa, Văn nghệ dân gian của Lê Xuân đậm chất trí tuệ, vừa uyên bác vừa dạt dào cảm xúc. Bởi anh biết kết hợp hài hòa giữa vốn hiểu biết về ngôn ngữ và kiến thức văn hóa. Lê Xuân nhận định, lý giải, giải mã tác phẩm bằng cả tấm lòng với tất cả sự giản đơn, bình dị, gần gũi và dễ hiểu nhất. Đọc những gì Lê Xuân viết, người đọc hình dung anh đã phải tích lũy, phải quan sát và có thật nhiều trải nghiệm mới có thể viết được nhiều bài viết mang đậm dấu ấn văn hóa như thế về vùng đất Nam bộ - nơi mà anh xem là quê hương thứ hai của cuộc đời mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.