Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại cho rằng “còn nhiều điều phải bàn bạc và nhìn lại”. Đó là từ giữa năm 2011, chúng ta bắt đầu “đẩy” giá gạo tăng quá cao, đến tháng 10 thì cao hơn cả Thái Lan 5 USD/tấn và đạt đỉnh vào tháng 12 với 582 USD/tấn. “Đó là hành động đuổi khách, và họ chạy sang các nước khác”, một chuyên gia kết luận. Đây là thực tế bởi khi giá gạo xuất khẩu (XK) tháng 1 ở mức đỉnh là 550 USD/tấn thì lượng XK ở mức đáy 279.000 tấn. Còn vào tháng 7 khi giá ở mức đáy 395 USD/tấn thì lượng XK tới 765.000 tấn. Tính chung quý 2 và 3, khi giá trung bình là 434 USD/tấn thì khối lượng gạo XK là 4,7 triệu tấn, chiếm khoảng 60%, còn quý 1 và 4 khối lượng XK chỉ khoảng 40%, trong khi giá bình quân khoảng 475 USD/tấn. Đáng nói hơn là sau khi đẩy giá lên quá cao, không xuất được hàng thì hiện nay giá gạo VN đã giảm mạnh. Cụ thể với gạo 5% tấm - gạo phẩm cấp cao của VN - thấp hơn của Ấn Độ 20 USD tấn, thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 100 USD/tấn.
Quan trọng hơn, chúng ta chưa xác định được “mục tiêu đúng”. Là một nước XK, vấn đề mà VN nên quan tâm là kim ngạch thu về. Xuất nhiều mà ngoại tệ thu lại được chẳng bao nhiêu thì cũng không có ý nghĩa gì. Với sản lượng XK khoảng 7 triệu tấn, VN chiếm khoảng 20% thị phần lúa gạo của toàn thế giới. Nếu tiếp tục chạy theo số lượng sẽ làm cho giá gạo thế giới nói chung giảm. Vì vậy, cách tốt nhất là không nên chạy theo số lượng để đảm bảo giá trị. Việc cần thiết hiện nay là nên tập trung vào công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, cung cầu thế giới để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Khi nhu cầu của thế giới giảm thì chúng ta khuyến cáo nông dân cho đất nghỉ ngơi, cho nước lũ vào để vệ sinh đồng ruộng, bồi bổ cho đất... Còn nếu cứ sản xuất tràn lan như hiện nay thì nông dân sẽ tiếp tục chịu khổ.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong hội nghị gần đây cũng than: “Tôi thấy người ta háo hức về ngôi vị số 1, số 2 thế giới trong XK gạo, nhưng tôi thì rầu muốn chết. Đất nước mình không thiếu gạo ăn, XK thì không được giá, nông dân không được lợi, vậy thì mình tăng sản lượng để làm gì? Chúng ta đang sản xuất và XK gạo theo kiểu bao cấp cho nước ngoài”.
Một số chuyên gia khác cho rằng, việc chạy theo thành tích tăng sản lượng bằng cách tăng diện tích, mở rộng sản xuất lúa vụ 3 là một hình thức tận thu tài nguyên thiên nhiên và đến một lúc nào đó nó sẽ cạn kiệt. Bộ NN-PTNT cần lên kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường, tránh trường hợp sản xuất ra một lượng lớn lúa gạo hàng hóa rồi đem bán rẻ cho nước ngoài.
Chí Nhân
Bình luận (0)