|
Trên diện tích rộng hơn 28ha với địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh cùng rừng thông xanh reo, đền Huyền Trân nằm trên một trục thẳng, theo lối kiến trúc truyền thống với trụ biểu vươn cao.
Giữa bốn bề núi non trùng điệp, đền Huyền Trân công chúa uy nghiêm, huyền bí với những nét văn hoá kiến trúc tiêu biểu của thời Trần từ những hoa văn, hoạ tiết cho đến 3 bức phù điêu trước mặt tiền đường của đền thờ, biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước từ Ải Nam quan đến Mũi Cà Mau. Nội điện thờ pho tượng công chúa Huyền Trân cao 2,37m, ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Hậu điện thờ các bậc công thần mở nước. Sân sau dựng tượng Ni sư, mở vườn Bồ Đề. Sau nữa là điện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần... Đặc biệt là đôi rồng chầu từ bậc cấp đầu tiên dẫn vào đền thờ vua Trần Nhân Tông - phụ hoàng của công chúa Huyền Trân được chế tác công phu, độc đác đã xác lập kỉ lục là đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam. Đó là hình ảnh tượng trưng giấc mộng của đệ tử Bảo Sát cho ngày viên tịch ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tại am Ngọa Vân - núi Yên Tử.
Vãn cảnh Huyền Trân, không ít du khách thích thú chinh phục đỉnh Ngũ Phong với hành trình chinh phục 246 bậc tam cấp. Nơi có lầu bát giác, tháp chuông ở độ cao 108m với chuông Hòa Bình nặng tới 1,6 tấn, cao 2,16m, đường kính 1,26m. Trên thân chuông khắc tám chữ “Thế giới - Hòa bình - Nhân loại - Hạnh phúc”. Cảm giác đứng trên đỉnh Ngũ Phong, tự tay gióng một tiếng chuông Hòa Bình, ngắm nhìn không gian bao la xung quanh với cảnh sắc hữu tình, xa xa thành phố Huế thơ mộng nép mình bên dòng Hương giang khiến lòng người trở nên bình yên đến lạ lùng.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)