Lên đời

30/04/2013 09:25 GMT+7

(TNTS) Báo chí cho biết trưa ngày 10.4.2013, Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một chiếc taxi của hãng taxi Nội Bài; trong xe chứa 200 ký nội tạng động vật đóng trong năm thùng xốp gồm lòng, tim, gan... đã bốc mùi hôi thối.

(TNTS) Báo chí cho biết trưa ngày 10.4.2013, Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một chiếc taxi của hãng taxi Nội Bài; trong xe chứa 200 ký nội tạng động vật đóng trong năm thùng xốp gồm lòng, tim, gan... đã bốc mùi hôi thối. Trên các thùng xốp, có dán tem của Hãng hàng không Vietnam Airlines đàng hoàng. Tài xế xe khai số hàng này sẽ được đưa về Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Ông Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 26 cho biết số nội tạng thối này được... đi máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội để tiêu thụ!

Rõ ràng, thực phẩm hư thối đã được “lên đời” một cách quy mô và hiện đại. Ngày trước, theo lối buôn lậu nhỏ lẻ và cổ điển, những loại nội tạng động vật hôi thối, những con gà thải loại của Trung Quốc được dân buôn lậu mang vác (hay chuyên chở) nhỏ lẻ để thâm nhập qua biên giới của nước ta. Có lẽ thấy làm ăn được, đội quân buôn lậu “lên đời” cho chúng, dùng xe tải nhẹ để chuyên chở. Khi hải quan và quản lý thị trường các tỉnh biên giới phía bắc tích cực khám phá, bắt giữ những phương tiện này, quân buôn lậu chuyển qua biện pháp chở hàng bằng xe hơi đời mới, có máy lạnh và... âm nhạc sang trọng hơn. Mới đây, hải quan và quản lý thị trường đã bắt quả tang một xe đời mới chở 400 con gà thải loại của Trung Quốc; có con đã chết, nhiều con còn sống. Chúng được nhét đầy từ phía sau ghế của tài xế ra đến hết băng sau. Và đến nay thì chúng ta mới thấy hết cách hiện đại hóa của quân buôn lậu: Đưa nội tạng động vật hôi thối lên máy bay đi gần 2.000 cây số ra Hà Nội.

Lên đời 
Minh họa: DAD

Tại sao có tình hình lên đời cấp kỳ như vậy đối với tình hình buôn lậu các loại thực phẩm hôi thối, thực phẩm thải loại? Lý do đầu tiên được cắt nghĩa là kiểu buôn lậu này dùng đồng vốn chẳng bao nhiêu nhưng lãi thì vô địch. Một ký nội tạng heo hôi thối mua tại Quảng Ngãi giá chỉ 20.000 đồng; vào tới TP.HCM có thể bán cho các nhà hàng với giá 100.000 đồng. Một con gà thải loại của Trung Quốc mua ngay tại biên giới giá chỉ 8.000 đồng; đưa về tới các chợ ở Hà Nội có thể bán đến 60.000 đồng. Chính đồng lãi cao và đồng vốn ít đã tạo cho các chủ hàng buôn lậu niềm tin rằng cỡ nào họ cũng có lãi; đi chục chuyến, bị bắt giữ năm chuyến cũng có lãi như thường.

Lý do thứ hai để cắt nghĩa việc lên đời là do cách xử phạt hành chính theo kiểu gãi ngứa của luật pháp đối với mặt hàng nguy hiểm và những kẻ chuyên chở, những phương tiện chuyên chở mặt hàng này. Một xe chứa đầy gà thải loại hay nội tạng hôi thối chỉ bị phạt vài ba triệu đồng; lái xe bị cảnh cáo. Xử phạt như vậy thì đã thấm tháp gì. Chủ hàng luôn luôn giấu mặt, ẩn tên. Ngay thời điểm dịch H5N1 đang có nguy cơ đe dọa đàn gia cầm của đất nước, dịch H7N9 đang có nguy cơ lây truyền từ Trung Quốc sang nước ta mà chỉ xử phạt hành chính đối với nội tạng hư thối và gà thải loại thì cũng là chuyện lạ.

Lý do thứ ba là việc thỏa hiệp của một bộ phận cán bộ kiểm tra, xử lý. Một chiếc xe chở 1.200 ký thịt động vật hôi thối, chạy từ Quảng Ngãi vào TP.HCM, được đóng dấu qua tám trạm, cuối cùng mới bị bắt giữ ở trạm Thủ Đức. Cái gì đã khiến tám trạm cho “thông quan”?

Vấn đề cấp thiết thì cần biện pháp cấp thiết. Các anh chị hải quan, quản lý thị trường, kiểm dịch động vật cứ phải mệt mỏi đi bắt giữ, chôn (hoặc đốt bỏ) các loại thịt hôi thối và gà thải loại này thì những kẻ chuyên chở, những phương tiện chuyên chở và các chủ hàng, các đầu mối tiêu thụ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tại sao chưa có những biện pháp kiên quyết nhất để sửa đổi luật pháp, tịch thu xe chuyên chở, khởi tố bị can đối với người chuyên chở, chủ hàng và đầu mối tiêu thụ? Nếu bộ luật Hình sự chưa quy định thì các cơ quan chức năng và cơ quan luật pháp vẫn có thể đề nghị và xét xử theo kiểu án lệ một vài vụ cụ thể để có thể giải quyết những vụ tương tự khác.

Ai ăn nhằm phải những loại thịt (nội tạng) hôi thối và những loại gà thải loại này? Đầu tiên, là những người khách của những quán ăn, nhà hàng. Thịt và nội tạng hư thối ấy sẽ được bán cho các tiệm ăn, nhà hàng. Qua quá trình xử lý tẩy mùi, tẩy màu, thịt và nội tạng hư thối sẽ thành ra... đặc sản. Người nuôi heo giỏi ít khi muốn bán đàn heo con khỏe mạnh cho các nhà hàng làm heo sữa. Món heo sữa sang trọng trong các tiệc cưới đa phần là những con heo con chết vì thương hàn hay tụ huyết trùng. Thực khách của những quán ăn, nhà hàng là nạn nhân trực tiếp của loại thực phẩm tào lao này.

Thứ hai, là những hộ gia đình nghèo. Đi chợ thấy mấy con gà làm sẵn, một bên để giá 80.000 đồng, một bên để giá 120.000 đồng, bà nội trợ nghèo sẽ chọn mua ngay con ít tiền hơn. Mắt thường của họ không phân biệt được đâu là gà thải loại, đâu là gà mạnh khỏe. Như vậy, hộ gia đình lao động nghèo, hộ anh chị em công nhân, viên chức nghèo là những nạn nhân trực tiếp của các loại thực phẩm thải loại. Những thực phẩm ấy bán ở chợ không hết, người ta bán rẻ lại cho các chủ cửa hàng cơm bình dân sinh viên, học sinh. Sinh viên, học sinh, người lao động ăn loại cơm này cũng trở thành nạn nhân của các thứ thực phẩm trời ơi đó.

Mà quả thật khó cho người tiêu dùng bình thường khi chúng ta mong họ trở thành những người tiêu dùng thông thái. Tiền bạc không nhiều, thì giờ hạn hẹp, họ đâu đủ sức nhẩn nha suy ngẫm trước các loại thực phẩm bày bán ở chợ để biết mặt hàng này tốt, mặt hàng kia hàm chứa những nguy cơ? Tất cả chỉ còn biết đặt niềm tin vào nhau; người ta bán được mình mua được, người ta ăn được mình ăn được.

Có thể nói, các bà các chị nội trợ sẽ vui mừng biết bao nhiêu khi mua được một bó rau về nhà, lặt rau và tìm thấy được một con sâu to tổ bố đang nhúc nhích. Niềm tin của họ sẽ được khẳng định bởi họ nghĩ con sâu còn sống trong bó rau thì đây là loại rau sạch, không dùng thuốc xịt sâu rầy. Than ôi, rau cải bây giờ khó mà có được một con sâu lý tưởng và hồn nhiên như vậy. Cho nên, các bà các chị lo vẫn lo mà mua vẫn phải mua.

Chúng ta đang sống trong “Tháng hành động bảo vệ an toàn thực phẩm”. Ngành kiểm dịch an toàn thực phẩm TP.HCM đã có sáng kiến đề nghị các bếp ăn tập thể ở các công ty, xí nghiệp, trường học ký cam kết bảo vệ an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn. An toàn thực phẩm ấy nằm trong cả hai khâu thu mua thực phẩm an toàn ở những nơi cung cấp có uy tín và chế biến thực phẩm an toàn trong từng bếp ăn. Tất cả đều nhằm mục đích tránh ngộ độc thực phẩm cho tập thể thực khách.

Dẫu sao, đó cũng là một nỗ lực trong một thành phố lớn, đông dân cư. Chúng ta mong ước bà con cả nước tự giác nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm. Mặt hàng nào cũng vậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì bà con mua sắm. Mặt hàng nào không nguồn gốc, xuất xứ thì thôi, xin tạm biệt đừng mua. Làm được bấy nhiêu cũng đã tốt rồi.

Vũ Đức Sao Biển

>> Lo ngại chất lượng kiểm dịch cá tầm nhập lậu
>> Nhập lậu mỗi ngày trên 10 tấn cá tầm Trung Quốc giả hàng VN
>> Nói không với gà nhập lậu từ Trung Quốc
>> Ếch, cá lóc Trung Quốc nhập lậu vào VN
>> Bắt khối lượng lớn quần áo, đồ chơi nhập lậu tại chợ Đồng Xuân
>> Thu giữ hàng trăm máy bơm, môtơ nhập lậu
>> Gà thải loại nhập lậu ngập trong kháng sinh và virus H5N1
>> Thu giữ 7 tấn bột ngọt Trung Quốc nhập lậu
>> Gà nhập lậu có hóa chất độc hại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.