Lên đời nhờ... bò bía

05/11/2012 08:00 GMT+7

Bò bía ngọt đã “phủ sóng” khắp Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, có khi sang tận Lào, Campuchia... Món ăn vặt ít tiền này đã đổi đời cho hàng trăm hộ gia đình thôn Bảo Đức, xã Đạo Đức, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Không ai nhớ chính xác món ăn này được người Bảo Đức mang từ Sài Gòn tới nơi khác từ bao giờ. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch HĐND xã Đạo Đức chỉ nhớ năm 1997, ông vào Sài Gòn gặp hai thanh niên trong làng đang học nghề làm bò bía của một cụ già gốc Hoa tại quận 8. Đó là hai người Bảo Đức đầu tiên biết đến nghề bò bía. Năm 1998, quận 8 đón thêm sáu anh em một gia đình Bảo Đức vào học nghề và đến nay, số hộ gia đình trong làng có người làm nghề bò bía đã là 60%, tương đương 500 hộ với gần hai ngàn nhân khẩu.

Có mặt tại Bảo Đức, nhìn hàng trăm căn nhà 3, 4 tầng, trường học, trạm y tế khang trang, con đường dẫn từ quốc lộ 2 vào thôn bê tông thẳng tắp không ai nghĩ rằng hai chục năm trước, đây là một trong những thôn nghèo nhất của Vĩnh Phúc. “Cuộc cách mạng bò bía” giúp những gia đình tưởng chừng kiệt quệ, có năm nợ hợp tác xã 4 - 5 tấn thóc, nay trở thành những nhà giàu nhất làng”, ông Hồng thật thà kể.

Có được sung túc ấy, “con đường bò bía” phải nhuốm bao mồ hôi, nước mắt của những thân phận tha hương. Ở những xóm trọ xập xệ nhất Thủ đô như Long Biên, Cầu Diễn, Nhổn... khoảng 23 giờ đêm, người ta dễ dàng nhận ra những chiếc xe đạp bò bía chất thêm kem, nem hay xúc xích rán của hàng trăm người Bảo Đức tập kết. Người làng chỉ dám thuê phòng trọ nhỏ nhất có thể, đủ chỗ kê lưng, cất đồ đạc vài tiếng đồng hồ, sớm tinh mơ đã dậy, lao ra đường buôn bán.

Anh Nguyễn Văn Minh (42 tuổi, khu 5, đội 6) đang sở hữu một xưởng bánh giữa làng Bảo Đức, giao 10 ngàn bánh tráng khô cho nhà hàng, 5 ngàn bánh tươi cho người bán rong bò bía mỗi ngày kể: năm 2000, cuộc sống quá vất vả với hai sào ruộng anh đưa vợ là chị Nguyễn Thị Mùi vào Nam tráng bánh bò bía thuê cho một công xưởng, làm 10 tiếng, cơm ăn hai bữa, thù lao 120 ngàn/tháng. Để học được công thức tráng bánh, hai anh chị chấp nhận nhiều lần bị phạt vì không tráng kịp bánh, đôi chân, bàn tay tê dại vì vận động lâu. Sau hai năm kiên trì, anh chị xin ra ngoài, mua máy về tự tráng bánh, làm kẹo, mua xe đạp đi bán bò bía rong khắp mười mấy quận, huyện của Sài Gòn. Năm 2006, có vốn và mối hàng, anh chị mở xưởng tráng bánh, giao tận nơi cho khách. Bất hạnh thay, đầu năm 2012, đứa con gái 17 tuổi của anh chị đang học rất giỏi tại một trường phổ thông của TP.HCM bị tai biến, đột tử ngay tại phòng trọ. Anh chị rời Sài Gòn về Bảo Đức, rời xa ám ảnh về cái chết của con.

Tại Bảo Đức hôm nay, công việc bò bía được chuyên môn hóa, có nhà chuyên tráng bánh, người làm kẹo, người phân phối vừng, dừa cho những người bán lẻ như nhà anh chị Mùi, anh chị Thủy (khu 6, đội 6). Số nhà chuyên công  việc bán rong khắp mọi nơi đông nhất, trên 400 nhà. Hà Nội là địa bàn người làng tụ họp nhiều nhất, kế đến là Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, mới đây người làng còn mạnh dạn mang bò bía tới Sa Pa, Cốc Lếu (Lào Cai) bán và thấy đắt khách không kém. Có người Bảo Đức tráng bánh giỏi được chủ nhà hàng Hà Nội, Sài Gòn giới thiệu sang tráng bò bía cho các nhà hàng bên Nga, Thái Lan, được trả công hậu hĩnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, điều ông mừng nhất bây giờ không phải là Bảo Đức đã thành thôn khá giả với thu nhập đầu người trên 20 triệu đồng/năm. “20 năm trước khắp làng toàn trẻ con, ba năm nay, mỗi gia đình đều có cha hoặc mẹ ở nhà bảo ban con cái học hành, trong thôn tuyệt nhiên không trộm cắp, ma túy, buổi tối, chẳng nhà ai phải cất xe, khóa cửa, đó chính là tự hào nhất về Bảo Đức”, ông Hồng nói.

Nguyễn Thúy Hằng

>> Đoàn giúp thanh niên nông thôn làm giàu
>> Rủ nhau làm phim nông thôn
>> Vệ sinh học đường ở vùng nông thôn
>> Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.