Lên núi hái na

14/09/2007 11:48 GMT+7

Chúng tôi đến huyện Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn - vựa na (miền Nam gọi là mãng cầu) lớn nhất cả nước khi mùa na đã gần qua. Thế nhưng, không khí thu hái, mua bán na của bà con nơi đây vẫn tấp nập, rộn ràng. Năm nay na được mùa được cả giá.

Huyện Chi Lăng có hai nơi trồng na nổi tiếng là xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Cuối vụ, nhưng chợ na Đồng Bành vẫn tấp nập kẻ bán người mua.  Ngay từ 3h sáng, rất nhiều xe ô tô lớn nhỏ chờ na trên núi xuống để thu gom về xuôi.

Anh Hoàng Văn Năm - người dân tộc Nùng, xã Chi Lăng  tươi cười chia sẻ: "Cuối vụ rồi, na to không còn nhiều, chỉ còn na nhỉnh hơn nắm tay một chút nhưng vẫn bán được 5-6 nghìn một cân. Nhà tôi năm nay có hơn 500 gốc, cũng thu được 30 triệu đồng ".


Cuối vụ, nhưng na vẫn còn rất nhiều. Ảnh H.M

Cây na được coi là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo của huyện Chi Lăng. Cây na ở đây được trồng trên các núi đá có độ cao trên 200 mét so với mặt nước biển. Điều đặc biệt, càng lên cao, cây na càng phát triển tươi tốt và quả rất to. Chị Vân - ở thị trấn Đồng Mỏ cho biết: "Vào khoảng tháng 7 âm lịch là mùa thu na rộ nhất, na cho nhiều trái to, có trái nặng từ 0,8kg đến 1kg".


Những quả na này nặng từ 0,3 đến 0,4 kg còn khá nhiều dù vụ na sắp qua

Các hộ trồng na ở đây chủ yếu là thu hái bằng phương pháp thủ công như vặt tay, dùng kéo cắt. Những cây na ở khu vực núi cao, nhiều đá thì có hộ đã sáng kiến chế ra chiếc kéo dài để cắt na.

Thông thường, các hộ dân phải gánh na từ trên núi xuống dưới chợ để bán. Cuối vụ na 2006, tại khu trồng na Lũng Than của thị trấn Đồng Mỏ, các hộ trồng na đã góp tiền dựng nên "con đường na" nối từ chân lên đến lưng chừng núi. Cứ cách quãng khoảng 20 - 30m, họ dựng một lán trại làm điểm tập kết na cho xe máy thồ xuống. "Ngày trước, chúng tôi mất cả đêm trắng soi đèn để gánh na xuống núi kịp phiên lúc sáng sớm. Từ ngày có đường, việc vận chuyển na đã nhanh và đỡ nguy hiểm hơn rất nhiều"-Bác Lường Văn Hoàng một hộ trồng na trên núi chia sẻ.

Còn ở dưới xã Chi Lăng, các hộ trồng na ở đây đã sáng chế ra một loại ròng rọc để tải na từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ 1 đến 2 phút là cả giỏ na nặng 20 đến 30 kg được đưa xuống. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tải phân bón lên trên núi.


Ròng rọc kéo na

Na Đồng Bành có tiếng khắp cả nước về sự ngon ngọt, nhưng nó vẫn chưa được đẩy lên thành một thương hiệu. Ngay cả việc trồng na của các hộ dân trong huyện đều là do tự phát. Họ ít được sự hướng dẫn, hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc và bảo quản na. Chị Ngọc - Hội trưởng hội nông dân thị trấn Đồng Mỏ chia sẻ: "Hội nông dân cũng chỉ tư vấn cho bà con cách bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu. Chứ vấn đề khoa học về nhân giống na hay làm thương hiệu thì chưa có. Cây na ở đây vẫn còn tự nhiên lắm".

Chùm ảnh lên núi hái na ở Lạng Sơn:

 
Bạt ngàn na trên núi

 
Lán dựng lưng chừng núi để thu hoạch và chăm sóc na


Đồng và Yến-hai bạn trẻ đang hái na trên núi


Cân na để bán


Đặc sản "na mắt hồng"  - ngon nhất xứ Lạng

Bài và ảnh: Trần Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.