(TNO) Núi Sập tuy không cao so với núi Cấm, núi Cô Tô, núi Két… trong quần thể Thất Sơn (An Giang) nhưng vẫn có những điểm độc đáo riêng thu hút người dân đến du lịch, vui chơi trong ngày Tết.
Người dân các nơi kéo đến du xuân núi Sập - Ảnh: Thanh Dũng
|
Núi Sập gắn với tên tuổi ông Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại), vị công thần thời Nguyễn đã đào kênh Thoại Hà vào năm 1818 dẫn nước ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên và tạo đường thủy lưu thông từ An Giang đến Kiên Giang.
Tại núi Sập còn trưng bày tấm văn bia Thoại Sơn cao 3 m, rộng 1,2 m, dày hơn 20 cm, khắc chạm 629 chữ Hán ghi lại việc đào kênh Thoại Hà. Núi Sập còn là quê hương của Lương Kế Nghiệp, tức cố soạn giả Hoa Phượng đã để lại cho đời bài vọng cổ nổi tiếng Trái tim núi Sập.
Núi Sập ngày nay được bao quanh bởi hồ nước nhân tạo mang tên hồ Ông Thoại rộng mênh mang tạo nên cảnh non nước hữu tình. Nhiều khách du lịch đã gọi đấy là tiểu Hạ Long giữa vùng đồng bằng sông nước.
Ngày xuân, du khách các tỉnh, thành Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... kéo nhau về đây rất đông để thưởng ngoạn cảnh, bơi thuyền trên mặt hồ ngắm núi. Các nhóm thanh niên leo men theo dốc núi lài ở độ cao hơn 20 m tắm nước suối nhân tạo đang chảy róc rách. Số khác leo lên đỉnh núi Sập mất hơn 10 phút tới các chùa chiền, tới hòn đá mang dáng hình ông Hổ cầu may, cầu hạnh phúc đầu xuân.
Đặc biệt, nhiều người thích leo lên mỏm đá cao nhất trên núi Sập ngồi túm tụm ngắm nhà cửa, ruộng vườn dưới chân núi đang vào xuân…
Bơi thuyền trên hồ Ông Thoại - Ảnh: Thanh Dũng
|
Nhiều người leo lên dốc núi tắm suối - Ảnh: Thanh Dũng
|
Hòn đá mang hình ông Hổ trên triền núi luôn được du khách đến khấn vái - Ảnh: Thanh Dũng
|
Leo lên mỏm đá cao nhất trên núi Sập ngắm nhà cửa, ruộng vườn dưới chân núi đang vào xuân - Ảnh: Thanh Dũng
|
Bình luận (0)