Lén nuôi đuông dừa

30/10/2013 10:32 GMT+7

Hàng chục năm qua, đuông dừa luôn là nỗi ám ảnh đối với người trồng dừa khu vực ĐBSCL. Thế nhưng tại “vương quốc dừa” Bến Tre, nhiều người lại lén nuôi đuông, lấy nhộng bán cho các nhà hàng, quán ăn.

Lén nuôi đuông dừa
Ông Lâm đang thu hoạch đuông dừa - Ảnh: Thanh Đức

Lợi trước mắt

Hiện nay, các nhà hàng, quán ăn bán món đặc sản ở khu vực ĐBSCL hay TP.HCM đều có rao bán đuông dừa. Tùy mỗi nơi, đuông dừa có giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/con. Khi quán mang ra, những con đuông dừa trắng phao, no tròn ngoe nguẩy trong dĩa trông rất hấp dẫn. Nhiều người xem đây là món ăn khoái khẩu, chỉ cần dùng đũa gắp con nhộng còn sống, chấm vào chén nước mắm trong, lăn qua lăn lại rồi đưa lên miệng cắn… Tuy nhiên, món đặc sản này đang là mối đe dọa với người trồng dừa, bởi cây dừa nào có nhộng đuông thường bị chết.

Vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân ở Bến Tre đã lén nuôi đuông trong vườn nhà. Ông Trần Văn Lâm (ngụ ấp 2, xã Long Hòa, H.Giồng Trôm) đang nuôi gần 30 thùng đuông dừa. Ông Lâm cho biết thấy người ta nuôi đuông dừa bán cho nhà hàng lãi cao, nên năm 2012 ông cũng bắt tay vào nuôi thử. Ông đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng để mua con giống, thùng đựng, làm nhà che… Nguồn đuông giống ông thu mua tại địa phương, sau đó cho đẻ và tuyển chọn giống thuần để không bị nhiễm ký sinh trùng. Về khâu nuôi, các thùng nhựa đều được dùi lỗ trên nắp để thông khí. Mỗi thùng ông thả 10 con đuông trưởng thành (5 đực, 5 cái). Sau khi đuông cái đẻ trứng, trứng nở thành con và phát triển thành nhộng là thu hoạch bán. Tuyệt đối không để chúng mọc cánh và phát tán ra bên ngoài. Hết lứa đuông, ông lựa lại 10 con để làm giống tiếp. Biết việc nuôi đuông dừa không được cho phép, nhưng theo ông Lâm, giá đuông hiện nay khá cao nên ông vẫn tiếp tục nuôi. Đuông lớn, nhỏ đều được thu mua hết với giá khoảng 500.000 đồng/kg. Còn đuông đã phát triển thành nhộng được các nhà hàng ở Sài Gòn rất ưa chuộng.

Hại lâu dài

Tại tỉnh Bến Tre hiện có rất nhiều người lén nuôi đuông, tập trung ở 2 huyện Chợ Lách và Bình Đại. Họ không chỉ nuôi trong thùng như ông Lâm mà còn nuôi luôn trên đọt dừa, gây nguy hại rất lớn đến những vườn dừa xung quanh. Thậm chí ở ấp Phú Thành (xã Phú Thuận, H.Bình Đại) đã có hẳn một cơ sở nuôi đuông, chuyên cung cấp đuông dừa Bến Tre cho các vùng miền trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Lương Hòa (H.Giồng Trôm), cho biết sau khi phát hiện hộ ông Lâm nuôi đuông, xã đã báo cáo với ngành nông nghiệp tỉnh đến kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu ông Lâm ký cam kết bảo vệ nghiêm ngặt và không để đuông trưởng thành phát tán ra môi trường. Việc này cũng được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bến Tre và Trung tâm BVTV phía Nam báo cáo lên Cục BVTV. Theo đó, ngày 27.9.2013, Cục BVTV đã ban hành văn bản nghiêm cấm việc nhân, nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Đuông dừa thuộc họ vòi voi, bộ cánh cứng, gây hại trên cây dừa ở hầu hết các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Con trưởng thành đẻ trứng vào các vết thương ở gốc, thân và bẹ lá dừa ở phần ngọn. Đuông cái trưởng thành có thể đẻ từ 300 - 500 trứng. Trứng nở ra ấu trùng màu trắng, là loại sùng không chân, khi lớn có màu vàng nhạt, đầu màu nâu. Giai đoạn ấu trùng thành nhộng kéo dài khoảng 3 - 4 tuần (lúc này người ta hay bắt ăn vì cây dừa đã rũ lá). Khi trưởng thành đuông có kích thước khá to, màu nâu đỏ nhạt, trên cánh có sọc nâu đen chạy song song, phần đầu có chấm.

Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.