Trao đổi với Thanh Niên sáng 5.4, đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (sau đây viết tắt là BQL) xác nhận cây sưa đỏ nằm cạnh hồ Gươm, ở vị trí gần cầu Thê Húc đang khô héo, bong tróc lớp vỏ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân đi qua khu vực này, BQL đã tiến hành chặt hạ các cành cây có nguy cơ gãy đổ, mang về trụ sở để bảo quản.
Khi được hỏi về độ tuổi của cây sưa bị chết khô, đại diện BQL cho biết đơn vị "không nắm được" vì mới chính thức nhận bàn giao công tác duy tu, duy trì, quản lý cây từ Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Công viên cây xanh Hà Nội từ ngày 1.3 vừa qua.
"Dự kiến trong tuần, BQL sẽ phối hợp đại diện UBND Q.Hoàn Kiếm, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) tiến hành khảo sát, lên kế hoạch chặt hạ cây sưa đỏ này. Sau khi được quận cấp phép, đơn vị chuyên môn sẽ tiến hành chặt hạ, bàn giao khối lượng gỗ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.Hà Nội quản lý và tiến hành các thủ tục tiếp theo", vị đại diện BQL thông tin thêm.
Một lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (trước đó là đơn vị được giao quản lý cây xanh ở hồ Gươm - PV) cho biết, do cây sưa được thừa hưởng qua nhiều thế hệ nên đơn vị cũng không biết chính xác được độ tuổi của cây.
Theo ghi nhận, cây sưa đỏ bị chết khô có đường kính thân khoảng 50 cm. Cây cao khoảng hơn 7 m, trong đó chiều cao thân cây khoảng 3 m. Nhiều vị trí ở cành cây đã bong tróc hết lớp vỏ bên ngoài, để lộ lớp gỗ đã bị khô. Việc cây sưa chết khô nằm sát hồ Gươm làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người dân và du khách khi qua lại khu vực này.
Bằng cảm quan, một dân chuyên buôn gỗ nhận định cây sưa đỏ bị chết khô có tuổi đời trên 60 năm. Giá trị gỗ sưa đỏ ở thời điểm hiện tại rất thấp vì nhiều năm trở lại đây, thương lái bên Trung Quốc không còn thu mua loại gỗ này. "Ở thời kỳ chuộng gỗ sưa đỏ, giá có thể lên tới 170 - 200 triệu đồng/tạ gỗ. Nhưng hiện tại thì giá khoảng 120 triệu đồng/tạ, tùy vào độ tuổi của gỗ", người này cho hay.
Gỗ sưa đỏ thuộc nhóm 1 trong bảng 8 nhóm gỗ của Việt Nam. Tiêu chuẩn chính của các loại gỗ trong nhóm này là gỗ có màu sắc, vân thớ đẹp, hương thơm và rất khan hiếm, có giá trị kinh tế cao nhất. Các loại gỗ trong nhóm này thường dùng làm đồ mỹ nghệ, gỗ lạng, hàng mộc chạm khảm, ván sàn đặc biệt... Ở một số nơi, gỗ sưa đỏ còn được gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc.
Bình luận (0)