Lên Xín Mần xem cúng thần rừng

15/03/2013 08:57 GMT+7

Cứ đến ngày 30 tháng Giêng, người dân xã Nàn Ma, H.Xín Mần, tỉnh Hà Giang lại làm lễ cúng thần rừng…

(TNO) Cứ đến ngày 30 tháng giêng, người dân xã Nàn Ma (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) lại làm lễ cúng thần rừng.

Lễ cúng thần rừng năm nay diễn ra đúng lịch, ngày 11.3, ở cả bảy thôn của xã Nàn Ma. Từ sáng sớm, đã thấy những người đàn ông đến phát cỏ, quét lá quanh một cây cổ thụ, bện cỏ vào gốc cho cây. Họ lập hai bàn thờ và mang đến các lễ vật gồm một con lợn đen, một con chó đen, ba con gà trống. Tất cả đều là giống đực.

8 giờ sáng, ông Giàng Xuân Hồ, Bí thư đảng ủy xã cùng ông Thào Kháy Lìn, Bí thư chi bộ thôn La Chí Chải có mặt. Cùng những người đàn ông khác, họ nhóm bếp chuẩn bị mổ lợn, chó, gà. Tiếp theo, thầy mo Giàng Sa Lừ, nguyên Bí thư đảng ủy xã Nàn Ma đi tới. Ông rót rượu, sắp bát lên bàn thờ, chuẩn bị cho buổi lễ. Ông Lừ đã làm thầy mo chủ lễ cúng rừng gần 20 năm nay.

Sau khi gieo quẻ, thầy mo Giàng Sa Lừ ôm con gà trống, thành kính đứng trước bàn thờ. Dưới đất, lợn và chó cũng được hai người thanh niên giữ chặt. Thầy Lừ bắt đầu cúng bằng tiếng Mông, đại ý: báo cáo các vị thần rừng chứng giám cho lòng thành của họ để bảo vệ rừng, bảo vệ mùa màng, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống no ấm cho bà con. Dứt bài cúng, ba con vật được mang đi giết thịt.

Thầy mo Lừ giải thích, lễ cúng thần rừng của người Mông Nàn Ma có ba phần, phần đầu tiên là báo cáo với trời đất, với thần rừng, ấy là khi các con vật còn sống. Sau khi vật cúng được nấu chín, bày lên đĩa, thầy sẽ thắp hương khấn mời các vị thần về ăn. Sau đó, những người đàn ông chặt thịt bỏ vào nồi nấu chung. Riêng chân gà được lọc lấy xương và dùng những chiếc tăm chọc vào, có bao nhiêu chiếc tăm khi chọc vào xương đứng vuông góc thì tương đương với số ngày người dân phải kiêng, không được chặt cây, không được hái rau, không được vào rừng đi vệ sinh.

Năm nay, có năm que tăm đứng được, tức là năm ngày tính từ lễ cúng, người dân phải tuân theo quy ước vừa kể. Nếu ai vi phạm, xã sẽ phải cúng lại, người vi phạm phải chịu lễ vật. Ông Hồ, Bí thư xã Nàn Ma chia sẻ: "Dân ở đây ai cũng ký tên vào bản quy ước này và chấp hành rất nghiêm túc, chưa năm nào phải cúng lại".

Khoảng 11 giờ trưa, những người đàn ông trải bạt xuống nền rừng tại nơi cúng. Họ mang rượu, mèn mén đã nấu sẵn ở nhà, bày lên đĩa và sắp thành những mâm nhỏ rồi mời chúng tôi cùng ăn uống.

Rượu được rót, ly được chạm, mọi người vui vẻ giao lưu với nhau dưới bóng mát của những tán cây rừng. Lễ cúng thần rừng của người dân Nàn Ma thật giản dị và chỉ diễn ra trong buổi sáng. 

Người dân Nàn Ma tỏ ra rất tự hào về phong tục này của họ. Ông Giàng Xuân Hồ, Bí thư đảng ủy xã Nàn Ma cho biết, lễ cúng rừng là phong tục của người Mông ở Nàn Ma từ nhiều đời nay. Nhờ mỹ tục này, ý thức bảo vệ rừng của người Nàn Ma được duy trì, những cánh rừng ở Nàn Ma vì thế cũng được bảo tồn.

Hà Quỳnh Trang

>> Lễ hội đâm trâu của dân tộc Cor
>> Lễ hội cầu ngư và nghinh ông
>> Mê lễ hội, quên giảng đường
>> Thấy gì qua quy hoạch lễ hội?
>> Quan chức và lễ hội
>> Lễ hội Vía Bà
>> Lễ hội cầu an
>> Khai ấn đền Trần vẫn là lễ của quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.