'Lênh đênh' giữa lòng thủ đô

17/06/2024 06:40 GMT+7

Không điện, không nước sạch, không nhà, không định danh là cuộc sống '4 không' của cư dân xóm Phao ven sông Hồng. Hơn 40 năm qua, nhiều thế hệ xóm Phao sinh ra, lớn lên trên những chiếc bè ọp ẹp, sống cuộc đời trôi nổi.

Theo con đường nhỏ sâu hút từ ngõ An Dương (Tây Hồ), chúng tôi tới xóm Phao, nơi nằm tách biệt với vẻ đẹp lộng lẫy phía bên ngoài của thủ đô. Ở đó có những "ngôi nhà" tạm bợ, được chắp vá từ vô vàn mảnh phế liệu, nằm lênh đênh neo đậu sát mép một đoạn lạch sông Hồng, thuộc P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội, là nơi tá túc của hơn 40 hộ gia đình.

'Lênh đênh' giữa lòng thủ đô- Ảnh 1.

Hàng chục căn nhà nổi ở xóm Phao sông Hồng

VÂN ANH

Kiếp sống trôi nổi

Con đường dẫn vào xóm Phao chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp hoặc xe máy đi qua, nằm sâu trong những bãi ngô, bãi chuối. Người dân xóm Phao đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là… quá nghèo. 

Vì nghèo mà họ trôi dạt đến đây, sống cuộc đời tạm bợ mà lâu dần thành "xóm". Cái tên xóm Phao ra đời từ chính đặc điểm những ngôi nhà của họ, được níu bằng phao, thùng phi chông chênh trên mặt nước.

Bà Phạm Thị Thu (69 tuổi) được gọi là người đàn bà khổ nhất xóm. Trước kia, bà sống bằng nghề bán nước trên cầu Chương Dương, sau này mới "trôi" về bãi giữa này, lấy chồng và mưu sinh. Sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu, bà Thu thường đi bộ quanh cầu Long Biên nhặt những chai lọ bỏ đi bán kiếm sống qua ngày. Có ngày mưa gió không đi đâu được, bữa cơm của vợ chồng bà Thu chỉ là cơm trắng và đĩa rau luộc hái được trong xóm.

Chồng bà quê ở Lạng Sơn, bỏ nhà đi khi còn rất nhỏ nên không rõ nhà ở đâu. "Đi làm thuê, chúng tôi gặp được nhau, tôi thương ông ấy chỉ có một mình nên cả hai về chung một nhà, cũng chẳng có hôn thú gì", bà Thu tâm sự.

Trong thế giới của những người lao động di cư ấy, không có điều gì là vững chắc, cố định. Họ làm đủ thứ nghề từ kéo xe, bốc vác thuê đến nhặt ve chai. Ngôi nhà nay dựng, nhưng mai mưa bão cũng có thể sập xuống. Nhà của vợ chồng bà Thu mới bị sập vì bị thủng thùng phuy sau trận mưa lớn. "Nước tràn vào khắp nhà, quần áo rơi xuống, ướt còn vắt lên kia chưa kịp khô", bà Thu kể lại.

'Lênh đênh' giữa lòng thủ đô- Ảnh 2.

Bà Thu chỉ tay về phía chiếc thùng thủng khiến nhà bà ngập trong đêm mưa

MINH PHƯƠNG

Mọi đồ dùng trong nhà bà Thu đều là chồng gom nhặt rồi sửa chữa để dùng. "Bóng điện, quạt, tivi đều là ông đi nhặt về sửa chứ làm gì có tiền mà mua", bà nói.

Cạnh đó, bà Phương (gần 70 tuổi), nhà vốn ở phố Bạch Mai (Hà Nội) nhưng dòng đời xô đẩy lại cuốn bà đến khu đất này. Bà kể, trước kia lang thang khắp góc thành phố, sáng đi nhặt ve chai, bán được vài đồng chỉ đủ một bữa ăn, sau 11 giờ đêm mới nằm được trước cửa nhà nào đó ven đường. Sau này, gặp được những người cùng cảnh ngộ như mình thì về xóm Phao, dựng lều làm chỗ trú mưa nắng.

Người dân xóm ngụ cư chủ yếu làm thuê làm mướn, công việc không ổn định. "Hôm thì đi nhặt ve chai, nhưng giờ giá mua giấy, sắt vụn rẻ lắm. Ngày nào giỏi thì kiếm được 100.000 đồng, còn đâu cũng chỉ vài chục nghìn đồng. Hôm thì đi cắt rau bán cũng đủ bữa ăn rồi. Ngày nào không đi làm được thì ăn ít lại, có hôm làm ít quá thì để dành, năng nhặt thì chặt bị", bà Phương chia sẻ về cuộc sống hàng ngày.

Cuộc sống "4 không"

Mặc cho Hà Nội đã bước vào thời đại 4.0, xóm Phao vẫn như bên lề của đời sống xã hội thủ đô với cuộc sống toàn những số 0 tròn trĩnh. Những người lao động sống ở bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên hầu hết không còn sổ hộ khẩu ở nguyên quán, cũng không được thừa nhận chính thức ở nơi mới.

Không điện, không nước sạch, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, cuộc sống "4 không" lâu dần đã trở nên quen thuộc với người dân xóm Phao. Mấy năm trở lại đây, xóm được các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ tấm điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng, điện mặt trời lại phụ thuộc vào thời tiết. "Vào mùa hè còn đủ nhiệt để chạy quạt, chạy đèn điện, còn mùa đông thì điện yếu lắm", bà Thu cho hay.

Sống lay lắt trong cảnh thiếu thốn đủ đường hơn 40 năm nay nhưng bà Thu chưa khi nào có ý định rời khỏi nơi này. "Điện thì dùng bình ắc quy hoặc pin mặt trời, nước thì bơm lên rồi tự lọc, dùng giặt giũ, nấu cơm, sinh hoạt", bà Thu chia sẻ.

'Lênh đênh' giữa lòng thủ đô- Ảnh 3.

Chiếc quạt sửa đi sửa lại chỉ quay phe phẩy, không đủ làm mát giữa trời nóng

VÂN ANH

Cuộc đời mỗi người dân ở xóm Phao là những mảnh "chắp vá". Giống như truyện Vợ nhặt của Kim Lân, nhiều cặp vợ chồng ở đây nên duyên rồi tự dọn về sống chung, hoặc ghép đôi người cùng xóm. Họ không thể hoặc quá tự ti vì nghèo mà không thể lấy ai, nên họ lấy nhau. Không giấy tờ định danh, không thân nhân, nên họ không có giấy kết hôn. 

Và tới lượt con cái họ cũng không có giấy khai sinh. Lớn lên, không dễ để xin học các trường trong phố khi không có đủ giấy tờ tùy thân. Ông Nguyễn Đăng Được, người "khai sinh" xóm Phao lại phải ngược xuôi lên phường, quận, giải trình nhiều cơ quan, đoàn thể để xin giấy khai sinh cho bọn trẻ.

Ông Được cho biết, xóm Phao chủ yếu là người lưu lạc ở nơi khác đến, không có giấy tờ, hộ khẩu, thành ra hơn 40 năm qua họ không có bảo hiểm y tế. Những người ốm đau nặng không dám đi viện điều trị vì không có khả năng chi trả viện phí, thuốc men, khi sức khỏe ngày càng yếu, họ đành an bài cho số phận.

Ông Lượng, chồng bà Thu bị đau mắt hơn chục năm qua, vốn dĩ bệnh nhẹ nhưng không chạy chữa kịp thời nên hiện tại một bên mắt chỉ thấy lờ mờ. Ảnh hưởng khả năng lao động, hiện ông chỉ quanh quẩn trong "túp lều" nổi trên sông.

"Làm gì có tiền mà chữa, giấy tờ cũng không, ai người ta chữa cho", bà Thu trầm ngâm.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND P.Ngọc Thụy, cho biết: "Khu vực xóm Phao chưa đủ điều kiện để cấp điện và nước theo quy định về quản lý đất đai và dân cư. Bởi vậy, chính quyền không thể làm được gì hơn ngoài việc phối hợp tuyên truyền cũng như kêu gọi các tổ chức thiện nguyện và phi chính phủ tài trợ".

Do không đảm bảo yêu cầu pháp lý, quyền công dân của những người dân xóm Phao bị hạn chế. Cố gắng lớn nhất của chính quyền đến nay là tạo điều kiện để trẻ em tại xóm Phao có giấy khai sinh và được đến trường. Và cuộc đời người dân xóm Phao, vẫn cứ thế lênh đênh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.