Một ngày trung tuần tháng 1.1974, gió đông bắc cấp 4, biển động. Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá - hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy tuần tiễu vùng biển xung quanh cù lao Ré, chợt trung tâm truyền tin chuyển lên một lệnh thượng khẩn: lập tức về tập kết tại cảng Đà Nẵng để khởi hành sứ mệnh bảo vệ Hoàng Sa.
|
Tại Đà Nẵng, sau khi nhận được chỉ thị của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải thuộc quân lực của Việt Nam Cộng hòa, nửa đêm 16.1.1974, HQ-4 dưới sự chỉ huy của hạm trưởng San trực chỉ Hoàng Sa. Lực lượng trên tàu gồm 170 người và một Trung đội Biệt hải quá giang. HQ-4 sau đó hợp cùng tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5, soái hạm) thực hiện chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm lăng của Trung Quốc. Công điện hành quân thượng khẩn số 50.356 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, sau khi thông báo việc tàu và quân Trung Quốc xâm chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, đã nêu nhiệm vụ: “Lực lượng tham dự hành quân tiến chiếm lại các đảo nói trên khởi sự vào ngày “N”… HQ-16 tiến chiếm lại đảo Money (Quang Ảnh - NV) vào ngày “N” bằng nhân viên cơ hữu… HQ-4 nhận 32 nhân viên biệt hải từ Đà Nẵng vào ngày “N”… đổ bộ chiếm đảo Robert (Hữu Nhật), sau đó là Drummond (Duy Mộng) và Duncan (Quang Hòa)”. Là một sĩ quan đầy kinh nghiệm, hạm trưởng San hướng tới Hoàng Sa với một sự bình tĩnh vốn có, như mới đây ông chia sẻ với người viết: “Lệnh hành quân giao trách nhiệm cho hạm trưởng HQ-4 là bảo vệ Hoàng Sa. Việc này là chuyện bình thường. Đã trải qua 5 lần nhận quyền chỉ huy trên biển, tôi tự tin hơn ai hết trong hạm đội, có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm hoàn tất nhiệm vụ”.
Cuộc chiến bi tráng tại Hoàng Sa cách nay gần 40 năm nằm trong chuỗi sứ mệnh không ngơi nghỉ bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của các thế hệ con dân đất Việt khởi đi từ hàng trăm năm trước.
**
Hơn 400 năm trước cuộc hải chiến Hoàng Sa, tiên chúa Nguyễn Hoàng hùng cứ phương Nam. Trong công cuộc nam tiến vĩ đại của ngài và các chúa Nguyễn, những vùng đảo ngoài bể Đông, những địa danh Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa, Hoàng Sa, Trường Sa... đã trở thành máu thịt của giang sơn.
“Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải… Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào...”. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn vào năm 1776 viết rất rõ ràng.
Trong gần 350 năm từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, từ khi tiên chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam, chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã được nhà nước tại Việt Nam thực thi liên tục, trong hòa bình và không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Thời kỳ đầu, đóng vai trò chủ yếu là các đội dân binh, gọi là đội Hoàng Sa, gồm các ngư dân chủ yếu thuộc vùng Quảng Ngãi. Về sau, hoạt động thực thi chủ quyền được đặt dưới danh nghĩa thủy quân. Đến thời Tây Sơn, dù bận đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng ngay khi kiểm soát được vùng Quảng Ngãi, quân Tây Sơn đã không quên Hoàng Sa.
Chỉ thị ngày 14.2.1786 của Thái phó Tổng lý quân binh dân Chư vụ Thượng tướng Công gửi đội Hoàng Sa đốc thúc: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa, luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển…”.
|
Sau khi Tây Sơn sụp đổ, hoạt động chủ quyền được duy trì thường trực dưới thời các vua Nguyễn. Bằng chứng của việc này hiện còn rất nhiều, trong đó có các tờ lệnh, tờ bằng được nhiều dòng họ ở Quảng Ngãi, đặc biệt là tại đảo Lý Sơn, lưu giữ. Một tờ bằng dưới triều Minh Mạng cấp cho Đà công Đặng Văn Siểm vào năm 1834 có đoạn:
“Nay, nhân các việc đã xong xuôi, các phái viên đã đi lê thuyền đến; chọn thủy thủ giỏi mà Võ Văn Hùng đã tuyển chọn là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công”.
Đại Nam thực lục chính biên cho biết vào năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu lên: “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu… giao cho hai tỉnh Quảng Bình, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”. Vua đã y lời tâu, ngay trong năm đó, “Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Dưới triều Nguyễn, có thể nói sau khi vua Gia Long thượng cờ tại Hoàng Sa năm 1816, thì Minh Mạng là vị vua có ý thức chủ quyền rất cao. Ông một mặt duy trì các đội thủy quân đi Hoàng Sa, đo đạc, vẽ địa đồ và lưu dấu, mặt khác cho xây miếu chùa ở đất liền cũng như trên đảo. Tâm huyết của ông đã được các thế hệ tiếp nối phát huy.
***
Những loạt đại bác của người Pháp nã vào thành Đà Nẵng năm 1858 đẩy Việt Nam vào một vòng xoáy mới của lịch sử. Giai đoạn sau đó, dù có nhiều biến chuyển kinh thiên động địa, chính quyền bảo hộ Pháp và các vua Nguyễn vẫn kế tục việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà chức trách Pháp tại Đông Dương đã cho xây hải đăng, đài khí tượng, trạm thiên văn và cho khai thác phốt phát tại hai quần đảo.
Về mặt hành chính, năm 1933, Hội đồng Thuộc địa thông báo sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 30.3.1938, vua Bảo Đại ra cung lục dụ nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Dụ văn cho biết: “Các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi...” và quyết định “tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên”.
Trong Thế chiến 2, tiếp sau người Pháp là người Nhật chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn với tư cách thay mặt xứ Đông Dương. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước Việt Nam năm 1954, hai quần đảo nằm dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Cũng trong giai đoạn ấy, Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) lợi dụng sự ra đi của người Pháp lén lút tiến chiếm một số đảo, trong đó có đảo Phú Lâm, Linh Côn thuộc Hoàng Sa và Ba Bình thuộc Trường Sa. Dù thế, chính quyền tại Việt Nam vẫn không hề từ bỏ, tiếp tục thực thi chủ quyền của mình. Tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa của chính quyền Sài Gòn, qua Sắc lệnh 174, đặt Hoàng Sa dưới sự quản lý của xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị địa phương quân thuộc chi khu Hòa Vang được điều động trú đóng ở đảo Hoàng Sa.
****
Trận hải chiến năm 1974 đánh dấu việc Trung Quốc dùng vũ lực phi pháp chiếm trọn Hoàng Sa, sau khi họ đã lén lút chiếm một phần quần đảo này từ thập niên 1950. Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của chính quyền Sài Gòn nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ VNCH. Chánh phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy”.
Cuộc xâm lăng này cũng làm dấy lên làn sóng phản đối. Từ nước Pháp, các cựu quan chức, nhân viên thời Đông Dương thuộc địa lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam và lên án Trung Quốc. “Hoàng Sa của Việt Nam cũng như đảo Corse của Pháp vậy”, ông Emmanuel Pontoizeau, một người Pháp từng lập dự án kinh doanh tại Hoàng Sa, phát biểu với Trung tâm thông tin Paris thuộc chính quyền Sài Gòn ngay sau cuộc xâm lược của Trung Quốc.
Sau Hoàng Sa, Trung Quốc còn tiến sâu hơn nữa xuống phía nam, tấn công chiếm đóng trái phép một số điểm tại quần đảo Trường Sa trong thập niên 1980 và 1990 cũng như đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý trên biển Đông, bất chấp sự phản đối cũng như những nỗ lực bảo vệ chủ quyền của nước Việt Nam thống nhất.
Và giờ đây, khi cơn cuồng vọng của Trung Quốc ngày một dâng cao, thì ý chí chủ quyền, lập trường bất khả nhượng bộ về chủ quyền của người Việt Nam vẫn vững vàng. Một trong những người bảo vệ Hoàng Sa gần 40 năm trước, cựu hạm trưởng Vũ Hữu San, vẫn đau đáu niềm mong mỏi rằng “hậu thế sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội khôi phục lại phần đất, phần biển đã bị cưỡng chiếm”.
Đỗ Hùng
>> Đường sách khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa
>> Xây dựng cơ sở dữ liệu về Trường Sa và Hoàng Sa
Bình luận (0)