• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Thời trang nghề & nghiệp

Lịch sử làm báo về thời trang

22/06/2020 18:00 GMT+7

Như một lẽ tự nhiên, Paris luôn nằm trong số những kinh đô thời trang hàng đầu của thế giới và sự ra đời của ngành ký giả thời trang cũng xuất phát từ mảnh đất của sự phồn hoa này.

Sử gia Joan DeJean, giáo sư người Mỹ chuyên về văn chương Pháp thế kỷ 17 - 18, cách đây vài năm đã xuất bản một quyển sách về đề tài lịch sử Pháp. Có tựa đề How Paris Became Paris: The Invention of the Modern City (lược dịch Bằng cách nào Paris trở thành Paris như ngày nay: Sự ra đời của một thành phố hiện đại - NXB Bloomsbury), quyển sách kể lại sự lột xác ngoạn mục của thủ đô Pháp, từ một nơi định cư nhếch nhác vào cuối thời kỳ Trung cổ, chồng chất những vết sẹo chiến tranh, để trở thành kinh đô ánh sáng của thế giới. Trong những ấn bản trước đó, tác giả người Mỹ đã mô tả sự ra đời của các thương hiệu cao cấp và thế giới hàng xa xỉ. Lần này, bà kể lại câu chuyện về những nhà báo thời trang đầu tiên.

Nữ nhà báo Eleanor Lambert, người khởi xướng ý tưởng về tuần lễ thời trang - Ảnh: Twitter

Nhà báo thời trang đầu tiên

Thông qua ngòi bút tả thực xuất sắc, Giáo sư DeJean đã nhắc lại một cách chi tiết về sự ra đời của nghề nghiệp trong mơ của vô vàn thế hệ phụ nữ. Tất cả đều bắt đầu ở Paris, cụ thể là vào triều đại của hoàng đế Louis XIV, trị vì từ năm 1643 - 1715. Vị quân chủ Pháp nổi tiếng với thói quen ăn diện vô cùng xa hoa và cũng được cho là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử biến thời trang thành công cụ thể hiện quyền lực tối thượng. Đối với ông, thời trang là thước đo phân định giai cấp. Dưới thời Louis XIV, lâu đài Versailles lúc nào cũng rực rỡ, phồn hoa, đẳng cấp và trở thành cung đình đáng ghen tị nhất trong giới hoàng gia toàn châu lục. Thậm chí các cận thần cũng so kè nhau từng bộ trang phục một với hy vọng có thể lọt vào mắt xanh của vị vua mê thời trang. Theo sử gia Mỹ, không ít triều thần lâm vào cảnh vỡ nợ vì vung tay quá trán trong nỗ lực sắm sửa cho bản thân và gia đình những bộ cánh lộng lẫy nhất trong mỗi dịp xuất hiện trước nhà vua.

Trong khi vô cùng hài lòng trước mức độ xa hoa và lộng lẫy của Điện Versailles, vua Louis XIV tỏ ra không vui khi mỗi ngày phải đọc trên báo chí những tin tức tầm phào, chán ngấy và các âm mưu chính trị đầy khô khan giữa các bè phái. Thế là vào năm 1672, hoàng đế Pháp tuyên bố cấm bàn tán chuyện triều chính trên báo chí, đồng thời ban sắc lệnh cho sử gia kiêm nhà viết kịch của cung đình Pháp, Jean Donneau de Visé thành lập ấn bản mới. Ông Visé đã cho ra đời Le Mercure Galant, tờ công báo và tạp chí đầu tiên chuyên đưa tin về thời trang, vốn là đề tài chưa từng được lên mặt báo trước đó. Một năm sau, mảng thời trang trở thành nội dung chủ lực của tờ báo khi ông Visé dành hẳn 40 trang để đăng bài “tóm tắt” cuộc phỏng vấn hai phụ nữ mà ông gặp ở Vườn Tuileries, hiện thuộc quận 1 của Paris.

Đề tài mà họ thảo luận là về trang phục Pháp và các quan điểm chủ quan như niềm tự hào về thời trang của nước này so với các quốc gia láng giềng. “Các quý bà ở Đức phát cuồng vì những đôi giày do người Pháp sản xuất đến nỗi 2 container chứa những mẫu giày mới nhất vừa được chuyển bằng đường thủy đến Đức”, hay thông tin đại loại thế. Sau đó, tờ báo của sử gia Visé trở thành ấn bản báo chí đầu tiên cho in hình các mẫu trang phục về xu hướng thời trang mới nhất theo mùa. Và thế là kể từ đó báo chí thời trang trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của nhiều người trong số chúng ta. Sử gia Visé cũng chính thức được công nhận là nhà báo đầu tiên viết về thời trang.

Một bản vẽ thời trang trên Le Mercure Galant - Ảnh: ncsu.edu

Kỷ nguyên vàng của tạp chí

Ý tưởng về tạp chí thời trang đã trở nên phổ biến hơn vào thế kỷ 19 và các ấn bản theo kỳ bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Những bước tiến trong công nghệ in ấn cho phép gia tăng số lượng tạp chí và sách xuất bản trong trường hợp cần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong nhiều vòng giao tiếp xã hội, thời trang và làm đẹp được xem là đức tính cần phải có đối với các phụ nữ lập gia đình, bên cạnh các vai trò truyền thống như nuôi dạy con cái và chăm sóc nhà cửa.

Nữ nhà báo Eleanor Lambert và “thông cáo báo chí” cho một tuần lễ thời trang vào năm 1965
Ảnh: FIT Official Blogs

Vào những năm đầu thập niên 1800, thế giới đã xuất hiện vài trăm tạp chí, bao gồm các ấn bản dành riêng cho nữ giới. Đến cuối thế kỷ 19, con số này tăng mạnh lên hàng ngàn. Một trong những tạp chí thời trang sớm nhất tại Anh là Gallery of Fashion, xuất bản từ năm 1794 - 1803. Không ít tạp chí do các nữ tổng biên tập trực tiếp chỉ đạo, chẳng hạn như Records of Fashion, Court Elegance, La Belle Assemblée, Bell’s Court. Một điều thú vị là thời trang khi đó không chỉ dành riêng cho phái đẹp. Một số tạp chí như Gentleman’s Magazine of Fashions, Fancy Costumes, the Regimentals of the Army Splendidly Embellished ra đời, đặc biệt tập trung vào độc giả nam giới. Điều này phản ánh một thực tế không tranh cãi: thời trang cao cấp dành cho mọi giới và ai cũng có quyền ăn mặc đẹp.

Đến đầu thập niên 1900, các tạp chí thời trang đã tiến thêm một bước khi chuyển từ các bản vẽ sang ảnh chụp. Cũng trong thời gian này, phụ nữ rời nhà và gia nhập lực lượng lao động, mang đến động lực phát triển chưa từng có cho các tạp chí thời trang. Các trang báo đua nhau tìm cách bắt kịp các xu hướng trang phục nhằm tôn tạo vẻ đẹp của cánh nữ giới nơi công sở. Tuy nhiên, phải đợi đến thời của một nhà báo tên Virginia Pope, thời trang mới thực sự lộ diện trên các trang báo chính thống.

Nữ nhà báo Virginia Pope và bài viết về thời trang trên The New York Times

Pope là phóng viên của tờ The New York Times từ năm 1925, nhưng phải đợi đến năm 1934 bà mới thực hiện loạt bài viết đưa tin về thời trang của Paris (Paris haute couture), chính thức đưa nội dung thời trang lên các ấn bản báo chí nghiêm túc. Mười năm sau, nhà báo thời trang người Mỹ Eleanor Lambert đã khởi động xu hướng về tuần lễ thời trang ở New York. Trong sự kiện này, các biên tập viên thời trang được mời đến thưởng thức các trang phục dự kiến tung ra trong mùa kế tiếp, đồng thời gặp gỡ những nhà thiết kế để nghe họ trình bày về ý tưởng của các bộ sưu tập mới.

Lúc đó, đa số tin tức và báo chí thời trang đều tập trung ở TP.New York, nhưng các biên tập của nhiều nhật báo, bao gồm Chicago Tribune, Milwaukee Journal, Fort Worth Star-TelegramBuffalo News cảm thấy cần phải giới thiệu thông tin về xu hướng thời trang theo mùa đến các độc giả. Vào năm 1956, các tờ báo trên bắt đầu đưa tin về các bộ sưu tập thời trang và được đón nhận nhiệt liệt. Bên cạnh đó, các tạp chí thời trang truyền thống như Harper’s Bazaar Vogue tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành báo chí thời trang của thế giới.

Ông Peter Lindbergh, nhiếp ảnh gia thời trang người Đức, đóng vai trò quan trọng khai mở kỷ nguyên siêu người mẫu trong thập niên 1990 - Ảnh: AFP

Đột phá các biên giới mới

Vào thập niên 1980, ngành ký giả thời trang chinh phục biên giới mới: đó là truyền hình. Cho đến thời điểm này, thời trang chưa thực sự trở thành một đề tài được thảo luận trên ti vi, nhưng mọi thứ đã thay đổi với các show truyền hình Mỹ như Entertainment Tonight (1981) và sau đó là Access Hollywood. Với sự thành công của những chương trình này, thế giới bắt đầu xuất hiện các mạng lưới truyền hình chuyên khai thác về lĩnh vực thời trang và giải trí. Cuối cùng, các kênh truyền hình tập trung vào mảng thời trang lần lượt lên sóng, trong đó có Fashion TV (1997).

Sự xuất hiện của internet vào đầu những năm 1990 cũng hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nhiều khía cạnh của đời sống và ngành báo chí thời trang cũng không ngoại lệ. Đã đến lúc tất cả mọi người đều có thể đưa ra nhận xét và viết về thời trang, nhờ vào nền tảng blog và hiện là vlog đang phổ biến trong xã hội ngày nay. Các ấn bản báo chí thời trang theo kiểu truyền thống cũng chuyển sang nền tảng internet, chuyển tải một phần hoặc toàn bộ nội dung bài báo lên mạng. Đến thập niên 2000, báo chí chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, cho phép độc giả đăng ký và đọc trực tuyến. Giờ đây, nhân loại đột nhiên phát hiện họ quay lại với thời mà một bức ảnh đáng giá cả ngàn từ. Instagram, Twitter và các mạng xã hội khác đều đặt hình ảnh là trên hết và phần từ ngữ bị đẩy lùi xuống hàng thứ hai.

Trong bối cảnh hoạt động giao tiếp và thông tin đang trên đà tăng trưởng và không ngừng thay đổi, báo chí thời trang cũng phải xoay xở để bắt kịp thời đại. Và khi nhu cầu về nội dung chia sẻ vẫn tiếp tục tăng, có lẽ việc tạo ra được những nội dung hình ảnh cao cấp sẽ đóng vai trò quyết định cho giới ký giả thời trang trong tương lai.

Trang bìa của tạp chí Vogue - Ảnh: AFP

Một trong những cây bút và nhà phê bình nổi tiếng nhất trong làng báo thời trang hiện nay là bà Vanessa Friedman, giám đốc thời trang và nhà phê bình của tờ The New York Times. Trước khi tham gia đội ngũ biên tập viên của The New York Times, nhà báo Friedman là biên tập viên thời trang thứ nhất của tờ Financial TimesInStyle UK . Vào năm 2012, bà nhận được giải thưởng Front Page cho các bài viết xuất sắc về lĩnh vực này và một năm sau trở thành chủ nhân của giải Nhà báo phê bình thời trang của năm.

Top
Top