Lịch sử qua góc nhìn điện ảnh

29/11/2022 06:38 GMT+7

Điện ảnh cải biên từ các chất liệu lịch sử là một xu hướng sáng tạo luôn thu hút mối quan tâm của các nhà làm phim, nhà phê bình, nghiên cứu cũng như khán giả.

Hội thảo Khoa học quốc tế Di sản lịch sử văn hóa và cải biên nghệ thuật được tổ chức tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (TP.Quy Nhơn) do TNA Entertainment phối hợp với Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Nhà xuất bản Elsevier và Đại học Văn Lang (VLU) tổ chức vừa qua (26 - 27.11) đã đặt ra nhiều vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn sáng tạo và tiếp nhận các tự sự vi lịch sử trong điện ảnh xưa và nay.

Quang cảnh hội thảo

BTC

32 tham luận được lựa chọn từ 82 đề tài tham luận đăng ký tham gia hội thảo hình thành nên 6 tiểu ban, tiếp cận phim lịch sử từ các góc độ khác nhau: từ việc khai thác những mảng lịch sử giàu tiềm năng điện ảnh còn bị bỏ trống, việc thay đổi và xoay chuyển cách nhìn, mang lại những cách kiến giải mới về lịch sử, phê bình và đánh giá những tác phẩm điện ảnh, truyền hình về đề tài lịch sử từ các hệ lý thuyết chuyên sâu khác nhau như lý thuyết cải biên, phê bình xã hội học, văn hóa học, sử chí, phê bình nữ quyền và giới, phê bình cảnh quan, phê bình liên văn bản… Tham luận mở đầu hội thảo của GS Earl Jackson (Đại học Châu Á, Đài Loan) với đề tài Những kỹ thuật của sự khát khao: Cải biên điện ảnh trong Nguyên Thị vật ngữ, Xuân Hương và Truyện Kiều gợi mở những suy ngẫm về cách kể chuyện theo phương thức cải biên trong mối tương quan giữa tác phẩm điện ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc và VN. Nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Columbia, Mỹ) về chuyện tình Nguyễn Huệ - Ngọc Hân; GS Laichen Sun (ĐH California, Mỹ) về súng hỏa mai trong thế giới sơ kỳ cận đại; PGS-TS Nguyễn Thanh Tùng (ĐH Sư phạm Hà Nội) về hồi ký chiến trận của các Nho tướng; TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học VN) về những sử liệu xoay quanh Hai Bà Trưng; PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (ĐH KHXH&NV TP.HCM) về sự trình hiện hình tượng văn hóa Bà Đen; TS Nguyễn Phương Khánh (ĐH Đà Nẵng) về các hoàng hậu và công chúa nhà Nguyễn khơi gợi lên chuỗi đề tài thú vị về các nhân vật lịch sử VN với góc tiếp cận mới mẻ.

Nhiều câu hỏi đáng ngẫm nghĩ đã được đặt ra tại hội thảo: Làm sao tạo ra một bộ phim lịch sử vừa truyền tải được màu sắc văn hóa truyền thống, vừa hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu đương đại của khán giả, nhất là khán giả trẻ? Các nhà làm phim có thể vượt khỏi những khuôn mẫu, những lối mòn để có thể mang lại đột phá trong sáng tạo ở mảng phim này bằng cách nào? Chúng ta có thể tiếp cận một bộ phim lịch sử qua những góc nhìn khác nhau ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.