Đó là 5 di tích lịch sử cách mạng thời kỳ chống Mỹ, gồm khu chỉ huy sở Nhà máy dệt Nam Định; cửa hàng cắt tóc dưới hầm; cửa hàng ăn uống dưới hầm; khu di tích phố Hàng Thao, hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ (cùng được công nhận tháng 4.1979 theo quyết định của Bộ VHTT).
Trừ di tích khu chỉ huy sở Nhà máy dệt Nam Định được một người dân gìn giữ, 4 di tích còn lại đều bị xâm hại nghiêm trọng, bị biến dạng hoặc đã mất dấu trên bản đồ di tích lịch sử địa phương.
|
Di tích cửa hàng ăn uống dưới hầm chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Tiện tới ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu (P.Bà Triệu) đã bị một số doanh nghiệp và hộ gia đình mặc nhiên coi là của riêng, trong đó, lối vào của cửa hàng ăn uống dưới hầm nằm ở ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt hiện nay trở thành một quán cà phê, cửa hầm bị bịt kín hoàn toàn.
Với mong muốn được xuống hầm tham quan cửa hàng ăn uống, chúng tôi được người dân chỉ cho cửa hầm còn lại, vốn là lối ra của cửa hàng ở Ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Tiện. Tuy nhiên, ở đây lại càng không tìm thấy dấu tích của di tích vì toàn bộ khu vực này đã được xây dựng lại và trở thành một cửa hàng bán xe máy. Không chỉ lấp kín cửa hầm phía sau, các công trình của di tích đều được cải sửa, trở thành một tòa nhà hiện đại với cửa kính, tường bê tông sơn đỏ.
Cửa hàng cắt tóc dưới hầm tại số nhà 100, giáp ngõ 96 đường Nguyễn Du, P.Nguyễn Du. Tuy nhiên, đến nay lớp tường đất và các bao trấu, hào giao thông chống bom, đạn quanh cửa hàng đã bị mất hoàn toàn. Căn hầm cắt tóc sâu hơn 1m nay trở thành một hố sâu, các hàng kem, chè xôi treo biển lên cả nóc di tích. Điều khẳng định đây là di tích cấp quốc gia là một tấm giấy đề “Di tích văn hóa cấp quốc gia” dán lên tường gỗ.
Di tích hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định (còn gọi là A4) tại số nhà 57 phố Quang Trung (trong Công ty in Nam Định). Trong chiến tranh chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương nhưng nhiều người dân bản địa không hề biết.
Đem câu hỏi đến cơ quan chức năng, chúng tôi được ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định trả lời: “Theo phân cấp quản lý, việc bảo quản di tích được giao cho chính quyền địa phương. Khi có đơn từ phản ánh thì cơ quan quản lý văn hóa mới có thể can thiệp”.
Tại UBND TP.Nam Định, ông Vũ Văn Lương, Phó phòng VHTT TP.Nam Định cho biết: “UBND TP đã nắm được thực trạng của các di tích. Nhưng theo quy định, động chạm đến di tích cấp quốc gia phải được Bộ VH-TT-DL cho phép, cụ thể là sửa gì, sửa ở đâu, sửa như thế nào thì địa phương mới được làm. Năm 2011, do một số cựu chiến binh và cựu công nhân Nhà máy dệt Nam Định đã đề nghị đóng góp để tu sửa các di tích, UBND TP.Nam Định đã xin Bộ VH-TT-DL cho tu sửa với phương án Bộ đầu tư một nửa, người dân đóng góp một nửa. Tuy nhiên, theo ông Lương, đề xuất này đến nay vẫn chưa được triển khai.
Về việc người dân sử dụng hoặc lấn chiếm, xây dựng làm biến dạng các di tích lịch sử, ông Lương cho biết nguyên nhân là do… lịch sử để lại. Với sự bàng quan này, việc các di tích quốc gia của Thành Nam sẽ biến dạng, thậm chí biến mất hoàn toàn chỉ là việc trong nay mai.
Hoàng Long
>> Xếp hàng… ăn cơm độn khoa
>> Ăn tối dưới... lòng đất
>> Đình Kim Ngân đón nhận bằng Di tích lịch sử quốc gia
Bình luận (0)