Theo AFP ngày 28.7, các nhà khoa học cho biết tháng 7 năm nay đang trên đà trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử từng ghi nhận, trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa cảnh báo mới.
Nắng nóng gay gắt do hiện tượng ấm lên trên toàn cầu đã ảnh hưởng nhiều người tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng này, bên cạnh những vụ cháy rừng dữ dội ở nhiều nơi như Canada và Nam Âu.
"Biến đổi khí hậu đang ở đây. Nó thật khủng khiếp và chỉ mới bắt đầu. Thời kỳ ấm lên trên toàn cầu đã qua, thời kỳ sục sôi toàn cầu đã đến", ông cho biết và kêu gọi mọi người hành động ngay lập tức và cương quyết để cắt giảm phát thải gây nóng lên trên toàn cầu.
Châu Âu có thể không còn là nơi du lịch hè lý tưởng, vì sao?
Hiện 3 tuần đầu của tháng 7 đã là giai đoạn nhiệt độ trung bình trên toàn cầu cao kỷ lục. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của châu Âu cho biết "cực kỳ nhiều khả năng" rằng tháng 7.2023 sẽ là tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào thập niên 1940.
Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết nhiệt độ có sự bất thường lớn đến mức giới khoa học tin rằng mức nhiệt toàn cầu trong tháng 7 đã lập kỷ lục dù chưa hết tháng.
Ngoài số liệu chính thức, ông cho rằng dữ liệu khí hậu trước đó, dựa trên phân tích cây cối và lõi băng, cho thấy nhiệt độ hiện nay có thể "chưa từng có trong lịch sử vài ngàn năm qua" hay thậm chí 100.000 năm.
Mức nhiệt cao hơn khoảng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp khiến những đợt nóng trở nên gay gắt, kéo dài và thường xuyên hơn, cũng như tăng cường những hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Các nhà khoa học cho rằng thế giới sẽ cần phải thích nghi với thời tiết nóng và các tác động khác do khí thải gây ra, trong khi ô nhiễm carbon phải được cắt giảm đáng kể trong thập niên này để tránh những điều tồi tệ hơn trong tương lai.
Bình luận (0)