Mở đầu lễ hội là sự xuất hiện của các nhóm múa trong tiết mục Trống hội làng biển. Trên nền nhạc rì rào tiếng sóng biển, tiếng trống hội, tiếng thúc giục ra khơi, các diễn viên đã diễn tả những đoàn thuyền rẽ sóng đầy khí thế, con người với biển hòa vào nhau, tượng trưng cho sự gắn kết bền chặt giữa ngư dân với biển cả. Tiếp đó là những màn múa hát rộn ràng với các chủ đề: Việt Nam quê hương tôi; Những cô gái Việt Nam; Nhớ xa khơi; Mênh mang hương sen Việt; Ra khơi...
|
Theo tiến sĩ Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận, Phó trưởng Ban thường trực liên hoan, một trong những điểm nhấn của liên hoan lần này là triển lãm các tài liệu, sắc phong và thư tịch cổ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Tại liên hoan còn triển lãm 20 sắc phong cổ từ thời Tự Đức đến thời Khải Định, thể hiện các vương triều phong kiến Việt Nam luôn quan tâm tới chủ quyền đất liền ven biển, hải đảo và đời sống ngư dân. Đặc biệt, thư tịch của đoàn Quảng Ngãi trưng bày tại liên hoan khẳng định rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là các tờ lệnh của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, thừa lệnh triều đình lệnh cho ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị thuyền cùng 28 ngư dân tham gia thám sát các vùng xứ Hoàng Sa. Thấy rõ qua thư tịch này là việc tuyển quân cho đội Hoàng Sa không phải đột xuất, mà là công việc thường làm của quan lại đầu tỉnh ở địa phương và đã trở thành một thông lệ hằng năm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Điều đó chứng minh rằng, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi trong tờ lệnh ghi rõ nhiệm vụ của đội Hoàng Sa là tuần thú, trồng cây, dựng bia chủ quyền, tìm kiếm hải vật... trên hai quần đảo này.
Với chủ đề Ninh Thuận - Điểm đến văn hóa biển Việt Nam, Liên hoan làng biển Việt Nam 2011 (diễn ra từ ngày 2-4.8) sẽ tái hiện những nét đặc trưng văn hóa biển của nhiều vùng miền như: lễ hội cầu ngư, hò bá trạo, hò biển, đua ghe, chèo thúng… Ngoài ra còn có các chương trình thả diều nghệ thuật, liên hoan ẩm thực, thi đấu thể thao, tọa đàm về liên kết du lịch giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ… Đây cũng là cơ hội để giao lưu văn hóa biển giữa các miền, qua đó tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Lê Xuân
Bình luận (0)