Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV: Đổi mới và hội nhập cái gì?

18/11/2007 23:25 GMT+7

Nhìn vào chương trình của liên hoan phim (LHP) năm nay tôi vô cùng sửng sốt. Chỉ có thể thốt lên: Một LHP với những hoạt động nghèo nàn hơn bao giờ hết!

Sự quay vòng cũ kỹ, già nua...

Chỉ có duy nhất cuộc tọa đàm về phim VN (mà nội dung hay mục đích cũng chưa được xác định rõ ràng) là còn có vẻ mang tính chuyên nghiệp. Ít ra đó cũng là một sự ngồi lại giữa các nhà làm phim với nhau để trao đổi chuyện nghề, chuyện nghiệp. Còn lại là các hoạt động tiếp xúc với người dân, công nhân, sinh viên... của tỉnh Nam Định, trong khi đây là một LHP quốc gia và 3 năm mới được tổ chức một lần.

LHP, ngoài ý nghĩa chính là đưa phim đi thi thì phải là một diễn đàn để các nhà sản xuất, nghệ sĩ, các nhà phát hành gặp nhau. Và dĩ nhiên phải mời được những vị khách quốc tế uy tín, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tại sao có thể bó hẹp hoạt động của LHP như một cuộc biểu dương lực lượng của các hãng phim và chỉ chăm chăm vào thi thố? Tại sao một LHP mà thiếu hẳn những hoạt động phong phú ở bên lề? Ví dụ như tạo ra những cuộc đối thoại giữa các thành phần tham gia, nhưng không phải để cãi nhau, rồi để đạo diễn Lê Hoàng khóc như mưa ở một LHP trước, mà thực sự cần bàn cách làm thế nào để phim có khán giả - hay nói thẳng ra là các nhà làm phim cùng bán được phim.


Áo lụa Hà Đông - ảnh: P.S

Những đối thoại vô bổ kiểu như phim nghệ thuật và phim thị trường, rồi định hướng thị hiếu, tuyệt đối không phải cái để bàn. Vì chuyện hay, dở là dành cho ban giám khảo quyết định. Và vấn đề ở đây là cần một ban giám khảo với những gương mặt trẻ, mới, được lãnh đạo bởi một người rất am tường về điện ảnh, người đó gọi là giám đốc LHP. Giám đốc LHP phải được bầu công khai, đó là cách các LHP trên thế giới người ta vẫn làm chứ không phải như nước ta mỗi năm lập ra một ban giám khảo riêng, tưởng là dân chủ hóa ra không, vì thực ra chỉ là sự quay vòng của chừng đó gương mặt già nua và đánh mất đi sự nhất quán của mắt nhìn nghề nghiệp. Hầu hết các LHP trên thế giới đều làm theo cách này và thực tế cho thấy LHP nào càng chuyên nghiệp, công tâm, các hoạt động phong phú với các tiêu chí chấm giải nghiêm ngặt thì giá trị giải thưởng của LHP đó mới thực sự được công nhận.

Thiếu diễn đàn, đối thoại

Nhìn vào chương trình sẽ diễn ra trong mấy ngày LHP, thấy thiếu vô cùng những vấn đề mà điện ảnh VN đang gặp phải. Ở đây không thấy nhắc đến những hoạt động tối cần thiết của điện ảnh như xúc tiến sản xuất, giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, một số diễn đàn của giới làm nghề như phát hành, phổ biến phim như thế nào? Không có một diễn đàn của những người làm phim trẻ khi chính họ đang làm nên diện mạo mới cho điện ảnh hôm nay, chưa kể họ là người kế thừa và tiếp nối. Thiếu một diễn đàn cho người trẻ mà họ đã chờ đợi LHP là cơ hội để gặp gỡ, để thẳng thắn trao đổi thì làm sao có thể trách họ không biết truyền thống, không biết lễ nghi với các bậc tiền bối trong nghề này?

Thiếu một diễn đàn của các nhà sản xuất phim, khâu quan trọng nhất để một bộ phim có thể ra đời cũng là khâu mà ở VN đang thiếu, yếu nhất. Thiếu một diễn đàn mà ông Cục trưởng Cục Điện ảnh tiếp các nhà làm phim có nhu cầu được hỏi, được chất vấn ngay thẳng để chờ những câu trả lời trực tiếp từ người đứng đầu ngành nghệ thuật thứ 7 của nước nhà hiện tại. Còn rất nhiều những cuộc gặp bên lề khác dưới sự bảo trợ chính thức của LHP như diễn đàn của các nhà làm phim tài liệu, diễn đàn của các nhà sản xuất phim tư nhân, công khai các dự án điện ảnh, những định hướng và số tiền Nhà nước có thể đầu tư cho điện ảnh... Chúng ta mời đến LHP 7 đoàn đại biểu nước ngoài mà không có lấy một cuộc trao đổi giao lưu nào chính thức thì thử hỏi có phí hoài và mất thời giờ của họ hay không?

Thực ra việc giao lưu với nhân dân (tức khán giả) là cần, nhưng có lẽ 1 buổi là đủ. Còn những hoạt động kiểu như dâng hương, lễ bái sẽ biến LHP thành một cuộc hành hương mà rất thiếu chuyên môn. Và hơn thế, với những hoạt động ấy chắc chắn sẽ làm cho LHP VN vẫn giữ mãi một bộ mặt nhôm nhoam, và câu hỏi điện ảnh VN đổi mới, hội nhập cái gì chắc chắn còn lâu mới có lời giải đáp.

Chương trình LHP lần thứ XV tại Nam Định
- Ngày 21.11: Họp các trưởng đoàn, họp báo, dâng hương tại đền Thiên Trường, văn nghệ ngoài trời và khai mạc LHP.
- Ngày 22.11: Tọa đàm về phim VN, tham quan đền Bảo Lộc và chùa Phổ Minh, tiếp xúc với công nhân may Công ty Sông Hồng, giao lưu với khán giả Nam Định.
- Ngày 23.11: Thăm nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh, tiếp xúc nhân dân huyện Xuân Trường, tiếp xúc sinh viên Nam Định, tiếp xúc với nhân dân huyện Vụ Bản, dự lễ hội đền Mẫu.
- Ngày 24.11: Tham quan khu di tích đền Đinh - Lê, thăm TP Nam Định, bế mạc LHP.
Các buổi tối chiếu phim tại 4 rạp của Nam Định, sẽ có các nghệ sĩ ra mắt khán giả.

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.