Nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân làm ăn, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận.
Anh Đặng Tường Khanh (trái) cùng đối tác tham quan vùng ca cao nguyên liệu - Ảnh: Tiểu Thiên |
Ông Trương Văn Gộc (63 tuổi, xã Tà Lài, H.Tân Phú, Đồng Nai) kể trước đây gia đình ông trồng quýt theo kiểu tự phát và đầu ra hết sức bấp bênh. “Năm 2010, sau khi ký hợp đồng với một công ty ca cao, tôi được hướng dẫn kỹ thuật, sản phẩm làm ra được bao tiêu mà giá cả khá tốt nên tôi rất yên tâm đầu tư. Đến nay, tôi trồng được 4,3 ha ca cao với sản lượng hơn 120 tấn ca cao tươi/năm”, ông Gộc hồ hởi.
Còn ông Nguyễn Thanh Phước (50 tuổi, Tổ trưởng HTX Thống Nhất, H.Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết trước lúc tham gia liên kết với doanh nghiệp, ông cùng một số người đi tìm hiểu nhiều nơi. Thấy mô hình của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán, Đồng Nai) hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tích cực nông dân nên đồng ý tham gia. Hiện HTX Thống Nhất có 9 thành viên với diện tích 12 ha ca cao và gần 40 hộ đang làm thủ tục gia nhập.
“Trước đây, HTX như điểm trung chuyển, xuất thô sản phẩm. Nay liên kết với doanh nghiệp, nông dân được lợi đủ đường, vừa được hỗ trợ sản xuất, khoa học kỹ thuật, lại được tiếp cận nguồn vốn, mua máy móc, chế biến rồi mới bán lại sản phẩm cho công ty với giá cao”, ông Phước nói.
Ứng vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ…
Anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, cho hay hiện diện tích ca cao tại Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai); Đạ Hoai, Đạ Tẻ và Cát Tiên (Lâm Đồng); Đức Linh và Tánh Linh (Bình Thuận) lên đến trên 1.000 ha được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 180 hộ dân. Nhiều hộ dân chưa liên kết nhưng công ty vẫn thu mua để tránh thiệt hại cho bà con. Dự kiến đến 2018, diện tích đạt khoảng 5.000 ha (sản lượng đạt 6.000 tấn).
“Để phát triển vùng nguyên liệu, ngay từ khi mới thành lập (2006), công ty đã phát triển cây giống, bán thiếu cho nông dân. Đồng thời tiến hành lập các CLB, HTX để chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện đội ngũ kỹ sư và cộng tác viên của công ty liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật cho nông dân. Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ đầu vào, cung cấp sản phẩm cho nông dân trồng trọt rồi trả chậm dần”, anh Khanh cho hay.
Trong khi đó, Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (xã Trị An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu mía tập trung ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng máy móc hiện đại để tăng năng suất, tăng hiệu quả. Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An, cho biết: “Mỗi năm nhà máy chi gần 50 tỉ đồng để ứng vốn cho nông dân sản xuất. Chúng tôi đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía”.
Cũng theo ông Nghiêm, nhà máy đang thực hiện ký cam kết chuyển đổi cây trồng sang trồng mía, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu 13 triệu đồng/ha cho nông dân. Ngoài ra, nhà máy còn có thêm các chính sách như khi nông dân ký hợp đồng bán mía cho nhà máy 4 vụ liên tiếp sẽ được hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/ha bằng giống, phân bón; đầu tư cơ giới hóa, kỹ thuật hướng dẫn trồng và chăm sóc cây mía cho bà con; sau khi thu hoạch mía bán cho nhà máy, nông dân mới phải thanh toán vốn vay.
Ông Lê Duy Phẩm, Chủ nhiệm HTX dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (xã Trị An), cho biết hiện 9 thành viên của HTX cùng nhau làm cánh đồng lớn thử nghiệm của Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An. “Được áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến nên năm nay năng suất dự kiến đạt khoảng 90 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha. Tới năm thứ hai thì năng suất có thể đạt từ 90 - 100 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt trên 40 triệu đồng/ha”, ông Phẩm dự tính. Còn nông dân Võ Thanh Minh (58 tuổi, ngụ xã Trị An) chia sẻ: “Nhà tôi có 4,5 ha đất trồng lúa hai vụ, bao năm qua cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn. Chuyển qua trồng mía, nhà máy đã hỗ trợ chuyển đổi 13 triệu đồng/ha, được đầu tư tiền thuê đất, giống và máy móc để cày bừa. Trồng và chăm sóc cây mía nhẹ nhàng hơn lúa nhiều, thu nhập từ mía cao gấp nhiều lần so với cây lúa nên tôi rất yên tâm”.
Xem như hùn vốn hợp tác với doanh nghiệp
Theo anh Đặng Tường Khanh, hiện công ty thu mua ca cao của người dân hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. “Trước kia, khi hạt ca cao còn xuất thô thì công ty chỉ mua được 2.000 đồng/kg hạt tươi. Năm 2013, công ty đã nghiên cứu sản xuất được một số sản phẩm, giá trị tăng lên nên nâng giá sàn và ký hợp đồng thu mua lên 4.000 đồng/kg. Hiện chúng tôi vừa ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản và đang mua thí điểm 6.000 đồng/kg ca cao tươi trong một năm cho các hộ dân”, anh Khanh nói.
Trong 6.000 đồng, công ty trả nông dân 5.500 đồng, giữ lại 500 đồng đến cuối năm hoặc 6 tháng trả một lần, với cam kết nông dân phải bán sản phẩm và áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của công ty. Số tiền này sẽ được công ty đầu tư vào máy móc, dây chuyền nhằm nâng cao giá trị của ca cao. “Việc này có thể hiểu là người nông dân đang hùn vốn với công ty cùng làm ăn. Khi công ty có vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm thì chi trả sản phẩm cho nông dân tăng lên, như thế mới tạo được liên kết bền vững”, anh Khanh phân tích.
Cùng nông dân làm tiêu sạch
Công ty CP phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) tại TX.Long Khánh đang triển khai chương trình liên kết với nông dân làm tiêu sạch. Hiện chương trình đã thu hút được 53 hộ nông dân tại các tỉnh như: Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu... với diện tích khoảng 60 ha. Tham gia chương trình, nông dân được Dona - Techno cho mua thiếu thuốc phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ về thuốc và quy trình kỹ thuật trị bệnh chết chậm trên cây tiêu. Dona - Techno cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu sạch với nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Hiện doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng mô hình liên kết để nhân rộng diện tích trồng tiêu sạch trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
|
Bình luận (0)