Ngày 11.12, AFP đưa tin kết quả kiểm phiếu sơ bộ về bầu cử quốc hội ở Nepal vừa qua cho thấy liên minh thân Trung Quốc của đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất Nepal (CPN-UML) và đảng Cộng sản Nepal-Maoist (CNP-M) đã giành được 97 ghế.
Trong khi đó, đảng Quốc đại Nepal cầm quyền thân Ấn Độ chỉ chiếm được 13 ghế. Đây được xem là cuộc bầu cử lịch sử ở Nepal, đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn chuyển tiếp lên chế độ dân chủ liên bang kéo dài 11 năm sau cuộc nội chiến đẫm máu khiến hơn 17.000 người thiệt mạng từ 1996 - 2006.
Cuộc bầu cử được tiến hành hai vòng, vòng thứ nhất diễn ra ngày 26.11 và vòng thứ hai ngày 7.12. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị thành lập chính phủ”, lãnh đạo CPN-UML Pradeep Gyawali phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ.
tin liên quan
Liên minh đảng Cộng sản thắng cử ở NepalLiên minh các đảng Cộng sản đã giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội Nepal và dự kiến sẽ thành lập chính phủ mới của nước này, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào cuối ngày 10.12.
Giới quan sát dự đoán với khả năng giành chiến thắng lớn như trên, cựu Thủ tướng Khadga Prasad Sharma Oli, hiện là Chủ tịch Liên minh Các đảng Cộng sản, sẽ có triển vọng trở thành thủ tướng mới của Nepal. Trong chiến dịch tranh cử, ông Oli (65 tuổi) kêu gọi mở rộng mạng lưới đường sắt Trung Quốc vào Nepal, thực hiện các dự án thủy điện, sân bay và cơ sở hạ tầng khác để tạo việc làm, theo Reuters.
CPN-UML cũng từng nhấn mạnh nếu lên nắm quyền, đảng này sẽ trao lại dự án thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD cho công ty Trung Quốc China Gezhouba Group sau khi Phó thủ tướng Nepal Kamal Thapa thông báo hủy bỏ thỏa thuận vào tháng 11.
Một số chuyên gia cho rằng việc hủy thỏa thuận với Gezhouba phản ánh tình trạng chia rẽ về việc nên gần gũi với Trung Quốc tới mức nào, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở Nepal.
Hồi tháng 5, Bắc Kinh cấp cho Kathmandu 1 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, viện trợ nhân đạo cho Nepal sau trận động đất tàn phá nước này hồi năm 2015.
tin liên quan
Từ chối Trung Quốc, Nepal tự xây thủy điệnTập đoàn điện lực Nepal sẽ nhận trọng trách xây dựng nhà máy thủy điện
lớn nhất nước này sau khi chính phủ hủy bỏ thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD
với Tập đoàn quốc doanh China Gezhouba Group Corp của Trung Quốc.
Mặt khác, Nepal có quan hệ sâu đậm với Ấn Độ về kinh tế - xã hội, văn hóa và lịch sử vì hai nước có đường biên giới mở và quan chức cấp cao hai bên có quan hệ gần gũi. Giới lãnh đạo chính trị Nepal được cho là vẫn muốn có sự ủng hộ của New Delhi.
Trong tình thế như vậy, một số chuyên gia cho rằng dù có nghiêng về Trung Quốc, các đảng Cộng sản ở Nepal vẫn biết rõ cần phải duy trì mối quan hệ tốt với Ấn Độ. “Nếu ông Oli lãnh đạo chính phủ, ông ấy sẽ buộc phải thực tế trong việc duy trì cân bằng địa chính trị với cả hai”, biên tập viên tuần báo Nepali Times Kunda Dixit nhận định với Reuters.
Bình luận (0)