Hiện tượng một số hiệp hội ngành nghề bắt tay ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ đang khá phổ biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh.
Loại xe này bị “Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị” khống chế giá cao gây thiệt hại cho người mua - Ảnh: N.Phúc |
Chị L. (ngụ đường Trần Hưng Đạo, TP.Đông Hà, Quảng Trị) kể trước khi mua chiếc xe máy Honda SH mode 125 cc, chị đã vào trang web của Công ty Honda VN và thấy công bố giá hơn 49 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến các cửa hàng, nhân viên báo giá xe 54,5 triệu đồng. Điều lạ là không chỉ 1 mà cả 4 đại lý xe máy lớn đều đưa ra mức giá như nhau. “Các nhân viên bán xe đều quả quyết mức giá này do hiệp hội quy định, họ không thể giảm giá... Hiệp hội bắt tay thống nhất một mức giá vậy thì người dân chúng tôi chịu thiệt rồi!”, chị L. bức xúc. Sau 3 tháng chờ mà giá vẫn không biến động, chị L. phải mua chiếc xe trên với mức giá 54,5 triệu đồng.
Hiệp hội... tự xưng
Theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, tại Quảng Trị đang tồn tại một tổ chức tự xưng là “Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị” (gọi tắt là hiệp hội). Thành viên của hiệp hội là các đại lý buôn bán xe máy lớn trong tỉnh đã bắt tay, thống nhất các mức giá, dẫn đến cùng là đại lý của hãng xe nhưng giá xe tại các đại lý ở tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế luôn rẻ hơn ở Quảng Trị.
|
Ông Thái Vĩnh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thảo Ái (cửa hàng chính ở đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà) cũng chính là chủ tịch của hiệp hội nói trên, tự hào cho rằng hiện các cửa hàng trên địa bàn không cạnh tranh về giá, tuyệt đối không có ai bán rẻ hơn ai vì đã có hiệp hội quy định. Trước thắc mắc “hiệp hội này thực chất là sự bắt tay của những cửa hàng xe máy để ghim mức giá cao hơn công bố của hãng xe” thì ông Thảo nói: “Các tỉnh đều có hiệp hội, nhưng hiệp hội nào liên kết được thì mới duy trì. Hãng xe cũng sẽ can thiệp và chỉ cho giá lãi trong mức nhất định. Ví dụ xe số 3%, xe tay ga của hãng Honda, Yamaha 5%, còn hãng Piaggio kén khách hơn nên được 7%”.
Thực tế, với chiếc SH mode 125 cc, giá bán của hiệp hội cao hơn mức công bố của hãng gần 5 triệu đồng, tức là gần 10%.
Lợi ích nhóm chèn ép người tiêu dùng
Tình trạng bắt tay thỏa thuận giá trên thực tế không phải là vấn đề mới. Đã có trường hợp bị xử phạt, điển hình là vụ 19 công ty bảo biểm phi nhân thọ cuối năm 2008 ký thỏa thuận nâng mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn vật chất cho xe ô tô từ 1,3% lên 1,56%/năm chưa tính thuế VAT, với lý do “nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường cao”. Dư luận phản ánh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã kết luận đây là hành vi vi phạm luật Cạnh tranh. Năm 2010, cơ quan quản lý có quyết định về mức phạt áp dụng cho các DN là 0,025% tổng doanh thu năm 2007, tương đương 1,7 tỉ đồng. Năm 2008 cũng diễn ra vụ các DN trong Hiệp hội Thép “bắt tay” để giữ giá bán thép không dưới mức 13,7 - 14 triệu đồng/tấn đã bị dư luận phản đối và phải dỡ bỏ...
Nhiều hiệp hội cũng ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ, như hiệp hội của các hãng taxi. 14 DN taxi TP.HCM sau khi thành lập hiệp hội đã cùng nhau tăng giá cước từ 6.000 đồng/km đầu tiên lên 12.000 đồng 2 km đầu và 5.000 đồng/km tiếp theo. Hoặc vụ phá sóng taxi V20 do hãng này không gia nhập hiệp hội và có những cách tính giá ưu đãi cho khách hàng nên một DN taxi khác trong hiệp hội dùng thiết bị phá sóng khiến khách không thể gọi điện vào tổng đài của V20.
TS luật Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, khuyến cáo thời gian qua có nhiều hiệp hội tham gia vào vấn đề giá cả của DN, đặc biệt là ấn định giá. Đây là những hành vi hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định luật Cạnh tranh. “Về nguyên tắc, việc ấn định giá không nằm trong tôn chỉ, mục đích của các hiệp hội. Công việc của hiệp hội là tập trung hỗ trợ DN xúc tiến, quảng bá thị trường; bảo vệ quyền lợi của hội viên; giúp hội viên nâng cao năng lực quản trị hoặc mở mang thị trường… chứ không thể thỏa thuận ấn định giá cả giữa các hội viên với nhau, khiến người tiêu dùng chịu thiệt”, ông Huỳnh phân tích.
Cùng quan điểm, TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia thương mại, cho rằng các hiệp hội ngành nghề tuy không có các hoạt động kinh doanh trực tiếp, nhưng là tổ chức tập hợp nhiều DN, là nơi rất dễ diễn ra các thỏa thuận giữa các thương nhân. Các thỏa thuận này có thể liên quan đến việc ấn định giá bán, phân chia thị phần, hoặc loại bỏ khỏi thị trường một DN khác. “Quá trình liên kết này tạo ra lợi ích cho nhóm DN đang thống lĩnh thị trường và không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho người tiêu dùng. Thị trường luôn mở, ai bán được giá tốt, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp thì người tiêu dùng chọn lựa, chứ không chấp nhận chuyện liên kết ấn định giá như vậy”, ông Chắt nói.
LS Châu Huy Quang, thành viên điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers, chỉ rõ: “Việc một số DN trong cùng một hiệp hội thống nhất một mức giá sàn cho hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp trên thị trường liên quan là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Đây là hành vi bị cấm theo luật Cạnh tranh. Cụ thể, quy định cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp”.
Kiểm tra ngay “hiệp hội tự xưng”
Ông Trần Hữu Anh, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, khẳng định không có “Hiệp hội buôn bán xe máy Quảng Trị” và nếu có thì đang làm trái các quy định hiện hành nên không được pháp luật công nhận. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quảng Trị, cũng cho rằng: “Nếu lập hội mà không có quyết định của UBND tỉnh, theo tôi cần báo Thanh tra Sở Nội vụ để tổ chức thanh tra, từ đó sẽ có cơ sở xử lý, đình chỉ hoạt động hội tự xưng này”.
|
Bình luận (0)