Liên tiếp các vụ chó thả rông cắn người: Các địa phương thờ ơ, buông lỏng xử lý?

20/02/2023 18:46 GMT+7

Nhiều vụ chó cắn gây thương thích nặng cho người đi đường cho thấy người nuôi chó không chấp hành quy định pháp luật nhưng chính quyền các địa phương cũng còn thờ ơ, buông lỏng xử lý vi phạm.

Những vụ việc đau lòng

Đoạn video ghi lại cảnh 2 con chó cắn xé nam sinh viên Hoàng Viên (Trường cao đẳng Lào Cai) xảy ra chiều 18.2 thực sự là hình ảnh gây sốc. 

May mắn cho nạn nhân, người dân địa phương đã kịp thời phát hiện để giải cứu và đưa đến bệnh viện cấp cứu với hàng chục vết thương, cơ thể chi chít vết răng chó cắn.

Chó thả rông cắn người dã man, địa phương vẫn thờ ơ, buông lỏng xử lý? - Ảnh 1.

Hình ảnh nam sinh viên Lào Cai bị 2 con chó quật ngã, cắn xé gây chấn thương nặng

CTV

Ngày 19.2, anh Staker Zachary Paul, một khách du lịch người Anh khi đang đi bộ ngoài đường ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng bị một con chó lao vào cắn. Quá bất ngờ, anh Staker Zachary Paul và người bạn đi cùng không kịp đề phòng. Hậu quả, hai tay anh Staker Zachary Paul bị chó cắn rách nhiều chỗ, phải nhập viện phẫu thuật.

Trước đó, chiều 22.7.2022, một bé trai 8 tuổi ở xã Đồng Tiến (H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bị chó nhà hàng xóm cắn tử vong. Khi đang trên đường sang nhà bà nội chơi, cháu bé bị con chó nặng hơn 30 kg của nhà hàng xóm gửi trông hộ đã cắn liên tiếp vào tay và cổ tay. Dù được cấp cứu nhưng vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện. 

Ngày 19.4.2019, tại tỉnh Thái Nguyên xảy ra vụ chó cắn người dẫn đến tử vong. Cháu bé 7 tháng tuổi sang nhà bà nội tại xã Khôi Kỳ (H.Đại Từ) chơi đã bị một con chó khoảng 20 kg mới được đưa về nuôi cắn nát vùng cánh tay trái, vùng hậu môn…, phải khâu đến 200 mũi. Sau hơn 1 ngày điều trị, nạn nhân tử vong do vết thương quá nặng.

Quy định rất đầy đủ nhưng không áp dụng 

Trở lại vụ việc nam sinh viên Lào Cai bị chó cắn phải nhập viện, trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Công Hoan, Phó chủ tịch phụ trách UBND P.Bắc Cường (TP.Lào Cai), đã viện dẫn quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP làm căn cứ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó là bà Bùi Thị Thảo với số tiền 1,5 triệu đồng.

"Với hành vi để thả rông chó, không đeo xích, không rọ mõm dẫn đến cắn người thì người nuôi chó bị phạt về hành vi vi phạm hành chính từ 1 - 2 triệu đồng. Chúng tôi lấy mức giữa khung để xử lý là tuân thủ đúng quy định của pháp luật", ông Hoan nói.

Còn tại Khánh Hòa, sau vụ chó cắn khách nước ngoài nhập viện gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch, UBND TP.Nha Trang cho biết, sẽ xem xét tái khởi động đội săn bắt chó thả rông (từng thành lập từ năm 2004, nhưng sau đó giải tán vì chưa đủ cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hoạt động).

Chó thả rông cắn người dã man, địa phương vẫn thờ ơ, buông lỏng xử lý? - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài bị chó cắn rách cả 2 tay khi đang du lịch ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

CTV

Nhưng theo các chuyên gia dịch tễ và thú y, trung bình mỗi năm Việt Nam có nửa triệu người bị chó cắn phải điều trị y tế dự phòng, gây thiệt hại kinh tế rất lớn thì giải pháp bắt chó thả rông chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn. Bởi gốc rễ là người nuôi có không chấp hành quy định pháp luật trong khi chính quyền địa phương nhiều nơi chỉ vào cuộc khi xảy ra các vụ chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng.

TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế), cho biết trong tháng 1, cả nước ghi nhận số người bị chó cắn phải nhập viện điều trị lên tới hơn 50.000 ca (tăng khoảng 10.000 ca so với cùng kỳ năm 2021). Theo bà Hương, con số này phản ánh thực tế là chủ nuôi không tuân thủ quy định khi thả rông chó và nguy cơ rất cao bùng phát các ổ bệnh dại trong cộng đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT), khẳng định các quy định pháp luật về nuôi chó cho đến quản lý đàn chó, phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn khu dân cư là không thiếu, thậm chí rất đầy đủ và toàn diện. 

Tuy nhiên, chính quyền địa phương nhiều nơi không áp dụng các quy định của pháp luật này để quản lý chặt chẽ chó nuôi dẫn đến nhiều vụ chó cắn gây thương tích nặng, thậm chí gây chết người.

"Thống kê hàng năm, địa phương nào cũng có hàng chục nghìn người bị chó cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại nhưng chỉ có Hà Nội và TP.HCM thi thoảng mới có vụ xử phạt vi phạm về chó thả rông. Các địa phương còn lại gần như không có thông tin xử lý chó thả rông", ông Minh nói.

Theo quy định của bộ luật Hình sự, trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, theo điều 128 bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.

Trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người gây thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người, theo điều 295 bộ luật Hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích từ 31% trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo quy định tại điều 138 bộ luật Hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.