(Tin Nóng) Đúng 66 năm trước đây, vào ngày 29.8.1949, Liên Xô đã cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên RDS-1 với sức công phá khoảng 22 KT (22.000 tấn thuốc nổ TNT), lớn hơn bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) 4 năm trước.
Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô - Ảnh: Wikipedia
|
Theo trang tin RBTH, lúc 7 giờ sáng ngày 29.8.1949, tại bãi thử Semipalatinsk (Kazakhstan ngày nay), vụ nổ nguyên tử đầu tiên của Liên Xô đã làm tê liệt các đường dây điện trong khu vực. Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô đã được thử nghiệm thành công.
Các kỹ sư Liên Xô đã bắt đầu tiến hành dự án bom nguyên tử từ năm 1943 sau khi các điệp viên Liên Xô tại Anh thu thập được nhiều thông tin về năng lượng hạt nhân. Một số điệp viên Liên Xô còn thâm nhập được các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Mỹ.
“Thông tin do điệp viên chúng ta thu thập được về quả bom plutonium của Mỹ đã giúp chúng ta tránh được các sai sót khi phát triển quả bom RDS-1, giúp giảm thời gian và chi phí hoàn thành", giáo sư Valentin Kostyukov, giám đốc Viện Nghiên cứu thí nghiệm vật lý tại thành phố Sarov nói với RBTH.
Từ những nămm 1940, Mỹ, Anh và Liên Xô đều chạy đua phát triển bom nguyên tử. Cuối năm 1941, chính phủ Mỹ đầu tư tiền của cho dự án bom hạt nhân, kết quả là vụ thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên diễn ra ngày 16.7.1945 ở bang New Mexico.
Sau đó Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima ngày 6.8.1945 và quả Fat Man xuống Nagasaki ngày 9.6.1945 làm hàng trăm ngàn người Nhật thiệt mạng, hàng trăm ngàn người khác chết dần chết mòn vì phóng xạ.
Hai quả bom nguyên tử này của Mỹ đã khiến lãnh tụ Liên Xô là Joseph Stalin bị sốc. Lập tức Moscow xem phát triển vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia. Các nhà khoa học giỏi nhất nước, kể cả các viện sĩ Igor Kurchatov và Pyotr Kapitsa đều tham gia vào dự án này.
Nhờ các điệp viên Liên Xô mà quá trình phát triển chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô được đẩy nhanh, tiết kiệm tiền bạc. Nhưng lãnh đạo muốn quả bom này phải thành công với rủi ro là thấp nhất.
Vụ nổ của quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô ngày 29.8.1949 - Ảnh: Wikipedia
|
Giáo sư Kostyukov tin rằng tin rằng quyết định thực hiện theo các thiết kế của Mỹ, vốn đã được chứng minh về khả năng, là cách hợp lý duy nhất để tiến hành quả bom của Liên Xô trong bầu không khí căng thẳng. Thiết kế tổng thể của RDS-1 tương tự của Fat Man, nhưng lớp vỏ ngoài và mạch điện tử bên trong của nó được các chuyên gia Liên Xô phát triển độc lập.
Lúc đó Mỹ cho rằng Liên Xô không thể có vũ khí hạt nhân đến trước năm 1954, nhưng không ngờ Liên Xô thử bom hạt nhân thành công vào năm 1949, chấm dứt sự độc quyền của Mỹ về loại vũ khí hủy diệt này.
Tin Liên Xô thử bom nguyên tử làm chính phủ Mỹ bị sốc, vì từ tháng 7.1949 Mỹ đã lên kế hoạch mang tên Trojan ném bom nguyên tử xuống 70 thành phố của Liên Xô.
Biểu đồ số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới – Nguồn: SIPRI/RBTH
|
Cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử đã diễn ra hơn 60 năm qua, và theo Viện Nghiên cứu Hòa bình thế giới Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), hiện nay thế giới có đến 15.850 đầu đạn hạt nhân, chủ yếu ở Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và Triều Tiên.
Năm 1970, Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân ra đời với 190 nước và lãnh thổ ký kết. Năm 1996, Liên Hiệp Quốc ra hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân nhưng chẳng có hiệu lực với một số quốc gia. Hiện Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên là làm ngơ với hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân này.
Vào năm 1969, Liên Xô vượt Mỹ về số lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và đến năm 1977 vượt về số đầu đạn hạt nhân. Năm 1967, Mỹ có 31.255 đầu đạn hạt nhân thì đến năm 1985 Liên Xô có 45.000 đầu đạn hạt nhân. Hiện nay theo các hiệp ước ký giữa hai nước, Nga và Mỹ trao đổi thông tin về tình hình lực lượng hạt nhân mỗi nước 2 lần một năm, vào các ngày 1.3 và 1.9. Tính đến 1.9.2014, Nga có 1.643 đầu đạn hạt nhân và Mỹ có 1.642 đầu đạn hạt nhân đang trong tình trạng sẵn sàng tác chiến.
|
Xem vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô ngày 29.8.1945
|
Anh Sơn
>> Nga trưng bày quả ‘bom vua hạt nhân’ tại Moscow
>> Mỹ từng muốn dội xuống Nhật thêm 13 quả bom nguyên tử
>> B-29, loại máy bay ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản
>> Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản
>> Liên Xô thử quả ‘bom vua’ hạt nhân như thế nào
>> Pháp khoe có 300 vũ khí hạt nhân
>> Phi công phụ kể lại chiến dịch tuyệt mật ném bom nguyên tử xuống Nhật
>> Mỹ giữ lại đầu đạn hạt nhân hết hạn để diệt thiên thạch
Bình luận (0)