TNO

Liên Xô với phi vụ bắt máy bay F-86 Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên

31/10/2015 17:56 GMT+7

(Tin Nóng) Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Liên Xô và Mỹ cùng tham chiến ở hai bên giới tuyến, và Liên Xô đã nỗ lực để bắt được tiêm kích F-86 của Mỹ mang về nghiên cứu.

(Tin Nóng) Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Liên Xô và Mỹ cùng tham chiến ở hai bên giới tuyến, và Liên Xô đã nỗ lực để bắt được tiêm kích F-86 của Mỹ mang về nghiên cứu.

Liên Xô với phi vụ bắt máy bay F-86 Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên - ảnh 1
Tranh minh họa vụ chiếc F-86 của phi công Bill N. Garrett (Mỹ) bị MiG-15 của Liên Xô bắn rơi cùng cuộc không chiến sau đó

Theo trang tin wearethemighty ngày 30.10, thời chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô và Mỹ đều tung ra máy bay tiêm kích phản lực mới nhất lúc đó là Mig-15 và F-86 Sabre đọ chiến trên bầu trời Triều Tiên.

Cả hai loại máy bay này có hình dáng bên ngoài rất giống nhau, nhưng F-86 nhỉnh hơn Mig-15 và bắn hạ nhiều Mig-15 hơn (tỉ lệ đến 10:1, theo tạp chí Air&Space của Viện Smithsonian, Mỹ), nên lãnh tụ Liên Xô Stalin đã chỉ thị phải bắt được máy bay F-86 nguyên vẹn đưa về nghiên cứu. Phía Mỹ cũng có động thái tương tự.

Lúc bắt đầu cuộc chiến, Liên Xô đưa sang Triều Tiên 3 trung đoàn tiêm kích Mig-15 và hầu như làm chủ bầu trời, vì đối thủ của máy bay này là máy bay cánh quạt của Mỹ, tốc độ chậm so với Mig-15 (1.075 km/giờ, bán kính tác chiến 1.240 km). Chỉ trong 1 tuần lễ của tháng 10.1951, Mig-15 bắn rơi 5 máy bay ném bom B-29 của Mỹ khiến loại pháo đài bay thời Thế chiến II này chỉ còn cách bay vào ban đêm.

Khi tiêm kích F-86 Sabre ồ ạt vào cuộc, bắn rơi nhiều tiêm kích Mig-15 của Liên Xô, lãnh tụ Stalin yêu cầu phải bắt được F-86 mang về nghiên cứu các đặc tính kỹ thuật và thiết bị radar của loại máy bay này.

Liên Xô với phi vụ bắt máy bay F-86 Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên - ảnh 2
Một chiếc F-86 Sabre tham chiến trên bầu trời Triều Tiên năm 1951 - Ảnh: Không lực Mỹ

Liên Xô đã đi trước Mỹ trong việc bắt máy bay đối phương. Vào ngày 6.10.1951, trung úy phi công Bill N. Garrett lái 1 chiếc F-86 đã bị một chiếc Mig-15 bắn trúng. Garrett tính nhảy dù nhưng động cơ và ghế phóng bị hư hại, đành đáp máy bay ra biển. Một chiếc MiG-15 khác liền rượt theo. Garrett mất độ cao khi phải lạng lách tránh máy bay Liên Xô, và đáp xuống một bãi biển ở biển Hoàng Hải.

Ba tiếng đồng hồ sau, một cuộc không chiến dữ dội xảy ra khi các máy bay Mỹ và Liên Xô giao chiến bên trên chiếc F-86 nằm dưới đất. Với lực lượng hùng hậu, máy bay Mỹ bắn rơi 7 chiếc MiG-15 trong khi không mất chiếc nào. Garrett sau đó được 1 thủy phi cơ Mỹ cứu sống, còn thủy triều dâng cao đã tạm che chiếc máy bay dưới làn nước đầy rong và bùn.

Suốt đêm 6 rạng sáng 7.10.1951, với sự hỗ trợ của khoảng 500 lính Trung Quốc, các chuyên gia Liên Xô đã tiếp cận chiếc F-86 khi thủy triều rút, tháo dỡ máy bay thành nhiều mảnh và chất lên xe tải mang về sân bay Andun ở Bắc Triều Tiên để nghiên cứu. Tuy nhiên trên đường đi, một máy bay Mỹ phát hiện và phóng tên lửa vào đoàn xe, làm cháy chiếc xe đi đầu, nhưng đoàn xe vẫn qua trót lọt.

Sau đó máy bay này được đưa xuống tàu thủy chở về Liên Xô, giao cho tập đoàn Sukhoi nghiên cứu.

Ngày 24.10, một chiếc F-86 khác của Mỹ lại bị Liên Xô bắt được, khi phi công Ralph Gibson điều khiển chiếc máy bay này bị 1 chiếc MiG-15 bắn rơi và bị bắt làm tù binh. Máy bay cũng được Liên Xô thu gom để nghiên cứu.

Các chi tiết kỹ thuật của F-86 sau đó được Liên Xô áp dụng cho các dòng máy bay MiG sau đó như radar hướng dẫn bắn Sperry APG-30.

Liên Xô với phi vụ bắt máy bay F-86 Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên - ảnh 3
MiG-15 của phi công Bắc Triều Tiên lái đào thoát sang Hàn Quốc năm 1953, được đưa vào hangar ở sân bay quân sự của Mỹ gần Seoul - Ảnh: Không lực Mỹ

Phải đến tháng 9.1953, Mỹ mới có được 1 chiếc MiG-15 của đối phương để nghiên cứu, khi 1 phi công Bắc Triều Tiên là No Kum Sok lái MiG-15 bay qua vĩ tuyến 38, đáp xuống 1 sân bay quân sự của Mỹ ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc. Cú hạ cánh này được mô tả là cực kỳ lạ lùng khi máy bay và phòng không Mỹ chẳng biết gì cho đến khi máy bay MiG-15 lù lù xuất hiện trên đường băng và được một phi công Mỹ ở đường băng đối diện phát hiện. Nguyên nhân là hôm đó radar của Mỹ ở sân bay này không hoạt động vì đang bảo trì.

Tiêm kích F-86 Sabre do hãng North American (nay thuộc Boeing) sản xuất, bay lần đầu năm 1947,dài 11,4 m, sải cánh 11,3 m, có tốc độ 1.091 km/giờ, bán kính tác chiến 2.454 km, 1 chỗ ngồi, trần bay 15 km. Loại máy bay này vũ trang 6 khẩu 12,7 mm hai bên thân, gần mũi máy bay; mang 2 quả bom loại 500 kg hoặc 16 quả rocket loại 5 inch hai bên cánh. Buồng lái có điều hòa nhiệt độ, giảm áp, có ghế phóng thoát hiểm.

Theo tạp chí Air&Space của Viện Smithsonian, Mỹ thì trong chiến tranh Triều Tiên, F-86 của Mỹ đã bắn rơi 792 chiếc MiG-15 trong khi chỉ bị thiệt hại có 76 chiếc, tỉ lệ 10:1 nghiêng về phía Mỹ, và có đến 40 phi công Mỹ được phong là Át chủ bài (Ace, phi công bắn rơi từ 5 máy bay trở lên).

Hơn 9.800 chiếc F-86 đã được sản xuất từ 1947 - 1957. Loại máy bay này ngưng sử dụng năm 1984 ở Bolivia.

Liên Xô với phi vụ bắt máy bay F-86 Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên - ảnh 4
MiG-15 của Liên Xô tại một viện bảo tàng không quân ở Nga - Ảnh: Wikipedia

Tiêm kích MiG-15 được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1940, bay thử ngày 30.12.1947, sản xuất từ năm 1949. Máy bay dài 10 m, sải cánh cũng dài 10 m, có tốc độ 1.075 km/giờ, bán kính tác chiến 1.240 km, vũ khí là 2 pháo 23 ly và 1 pháo 37 ly, mang được 2 quả bom 100 kg hoặc 2 thùng dầu phụ hoặc 2 tên lửa ở đầu cánh.

MiG-15 được Liên Xô sản xuất nhiều nhất, hơn 12.000 chiếc; và cộng số máy bay được sản xuất theo giấy phép thì con số này lên đến hơn 18.000 chiếc. Đây là loại máy bay tốt nhất trong Chiến tranh Triều Tiên, đến nay không quân Triều Tiên còn sử dụng để làm máy bay huấn luyện.

Anh Sơn

>> Mỹ suýt phóng tên lửa hạt nhân từ Okinawa vào Liên Xô
>> Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài?
>> Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên
>> Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ
>> MiG-105, dự án máy bay vũ trụ thời Liên Xô
>> CIA với phi vụ câu trộm trực thăng Liên Xô ở châu Phi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.