TNO

LienVietPostBank: Cuộc 'lột xác' sau 7 năm

31/03/2015 09:33 GMT+7

Bảy năm, tổng tài sản tăng 14 lần, vốn huy động tăng 24 lần, dư nợ cho vay tăng 19 lần; mạng lưới với 100 chi nhánh và hơn 10.000 điểm giao dịch khắp cả nước... Với một ngân hàng sinh sau đẻ muộn như LienVietPostBank, không dễ để đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như vậy.

Bảy năm, tổng tài sản tăng 14 lần, vốn huy động tăng 24 lần, dư nợ cho vay tăng 19 lần; mạng lưới với 100 chi nhánh và hơn 10.000 điểm giao dịch khắp cả nước... Với một ngân hàng sinh sau đẻ muộn như LienVietPostBank, không dễ để đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như vậy.


LienVietPostBank cất cánh thần kỳ sau 7 năm  - Ảnh: N.A

Mạng lưới lớn nhất hệ thống

Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập (28.3.2008 - 28.3.2015), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ LienVietPostBank 2015 và công bố kết quả kinh doanh năm 2014.

Sau 7 năm xây dựng và phát triển, quy mô của LienVietPostBank đã tăng trưởng gấp nhiều lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động năm 2008. Sở hữu mạng lưới gồm gần 100 chi nhánh/phòng giao dịch và hơn 10.000 điểm cung cấp dịch vụ trên hệ thống phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Với thế mạnh vượt trội đó, LienVietPostBank hiện là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại VN.

Năm 2014, LienVietPostBank tăng trưởng mạnh về tổng tài sản và một số chỉ tiêu khác trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cũng trong năm 2014, LienVietPostBank đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng để đảm bảo dữ liệu kinh doanh luôn được sao lưu, cập nhật liên tục. Đây là bước tiến mới về nền tảng công nghệ thông tin mà hiện tại mới chỉ có một số ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank... xây dựng được.

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong 7 năm qua, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khủng hoảng, LienVietPostBank vẫn không những không giảm biên chế mà còn tăng biên chế so với những năm trước (chỉ đổi mới biên chế). Số lượng nhân sự đến cuối năm 2014 là gần 4.000 cán bộ nhân viên, tăng gấp 10 lần so với thời điểm thành lập, và dự kiến tiếp tục gia tăng.

Chi trả cổ tức 10 - 15%/năm

Tính đến thời điểm 31.12.2014, tổng tài sản LienVietPostBank tăng từ 7.453 tỉ đồng lên 100.800 tỉ đồng, tăng 14 lần và hiện đang dẫn đầu so với các ngân hàng thương mại cổ phần ra đời cùng thời điểm; huy động vốn đạt 91.759 tỉ đồng, tăng 24 lần, trong đó chủ yếu là từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư (85% tổng huy động vốn), thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của LienVietPostBank.

Trong khi đó, dư nợ đạt 50.076 tỉ đồng, tăng 19 lần, góp phần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tại thời điểm 31.12.2014 ở mức 1,23%, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại khác và thấp hơn nhiều so với mức tối đa mà đại hội đồng cổ đông cho phép (3%). Sau 7 năm hoạt động, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 5.000 tỉ đồng, bình quân hơn 700 tỉ đồng/năm, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt được duy trì hằng năm và đảm bảo ở mức trung bình 10 - 15%/năm.

Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2014 tăng gần 40% so với năm 2013. Doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank với NHNN cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỉ USD. Hoạt động này đưa LienVietPostBank tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có giao dịch ngoại tệ nhiều nhất với NHNN. Doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ của LienVietPostBank đạt hơn 3,5 tỉ USD trong năm 2014 đưa LienVietPostBank nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ lớn nhất thị trường.

Năm 2015 được LienVietPostBank xác định là năm bản lề trong quá trình chuyển đổi hoạt động của ngân hàng với định hướng mục tiêu “Ngân hàng của mọi người”. TS Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh: “Năm 2015, LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên cho ra đời tài khoản lưỡng tính tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay và gửi tiền. Trong điều kiện nguồn vốn đang dư thừa, LienVietPostBank thực hiện phương châm “trâu đi tìm cọc chứ không để cọc đi tìm trâu”. Tức là cán bộ ngân hàng phải tổ chức nghiên cứu kinh tế, tìm ra các đối tượng đầu tư. Chẳng hạn như việc phát triển cây mắc ca, cán bộ tín dụng ngân hàng phải là người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mắc ca hiệu quả vào 5 - 7 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành 20.000 - 22.000 tỉ đồng để cho vay phát triển mắc ca tại VN”.

Nguyệt Ánh

>> 75% dân số Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng
>> Ngân hàng: Muốn có cái "ăn" phải giảm lãi vay
>> Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động, cho vay từ 0,5 - 1%
>> Từ 15 tuổi, được phép mở tài khoản ngân hàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.