Anh Hồ Công Được, 35 tuổi, hiện ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa – là con trai út của y sĩ, liệt sĩ Hồ Công Đệ - một trong 64 chiến sĩ hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Trường Sa vào ngày 14.3.1988.
Lúc cha hy sinh, anh Được còn trong bụng mẹ, hình dung về cha chỉ qua lời kể của mẹ và vài người bạn đồng niên của cha trong xóm. Ngày hy sinh, cha anh Được tròn 30 tuổi, còn mẹ anh là bà Cao Thị Bình lúc ấy 28 tuổi, một mình bà vào Nam ra Bắc, gồng gánh nuôi 3 chị em anh Được ăn học mà không một lời than thở.
"Bố em ngày xưa giỏi lắm. Mẹ kể ngày xưa bố ở đây cứu được bao nhiêu người, ngày xưa làm gì có bác sĩ, bố em về mấy người bị thương hay bệnh, bố em mổ trực tiếp, cứu ở đây bao nhiêu người rồi đấy.", anh Được kể với giọng tự hào.
Giống như anh Được, chị Đỗ Thị Thu (35 tuổi, giáo viên thể chất trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thiệu Châu), con gái liệt sĩ Đỗ Viết Thành hy sinh trên tàu HQ-604, cũng chưa từng được gặp mặt cha.
Còn bà Đỗ Thị Hiền (57 tuổi), vợ liệt sĩ Đỗ Viết Thành, mẹ của chị Thu, lúc chồng mất cũng mới chỉ 22 tuổi. Ngày trẻ, bà Hiền trắng trẻo, xinh xắn, được nhiều trai làng để ý. Thương con gái chịu thiệt thòi, bà hy sinh hạnh phúc riêng quyết nuôi con trưởng thành.
Thiệt thòi vì sinh ra không có cha, những người con như anh Được, chị Thu sớm vất vả từ nhỏ, biến thiệt thòi thành động lực để phấn đấu. Chị Thu sớm kết nạp Đảng, trở thành giáo viên trong xã; trong khi đó, anh Được cũng có công việc ổn định là nấu bếp ăn công nghiệp tại một công ty xi măng gần nhà, cùng vợ nuôi dạy 3 cô con gái nhỏ. Mỗi lần dạy con, anh đều nhắc đến sự hy sinh của ông nội để các cháu ghi nhớ.
Mong ước lớn nhất của những người con liệt sĩ lúc này được một lần ra Trường Sa, để thấy được nơi mà người cha mình đã ngã xuống.
Bình luận (0)