Liệu Ả Rập Xê Út sẽ bám sát vào thỏa thuận đóng băng sản lượng?

16/10/2016 15:13 GMT+7

Nhà đầu tư và giới chức ngành công nghiệp dầu khí đang xem xét yếu tố quan trọng: Liệu có thể tin tưởng Ả Rập Xê Út trong việc khởi động thỏa thuận đóng băng sản lượng hay không?

The Trusted Advisor, quyển sách tâm lý chia khái niệm về sự tin tưởng ra thành bốn phần chính: uy tín, độ tin cậy, sự thân mật và tính định hướng. Tờ Russia Today mới đây có bài viết phân tích quốc gia dẫn dắt Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dựa theo bốn khía cạnh trên.
Sự tín nhiệm và độ tin cậy
Uy tín của một cá thể dựa trên khả năng đạt mục tiêu của họ bằng nguồn tài nguyên và cách thức tiến hành, trong khi độ tin cậy đánh giá động thái đã qua của một cá thể để dự đoán hành động tương lai.
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi từng cho hay độ tin cậy và sự tín nhiệm cả trong và ngoài OPEC là động lực chính cho chính sách năng lượng của quốc gia Trung Đông, cho đến khi cuộc họp tồi tệ hồi tháng 4 của nhóm diễn ra ở Doha (Qatar). Khi đó, Phó Hoàng thái tử Mohammed bin Salman bảo ông al-Naimi hủy việc Ả Rập Xê Út tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng vào phút chót.
Phó Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út đã nói nhiều lần trước khi cuộc họp diễn ra, rằng ông sẽ không chấp nhận thỏa thuận đóng băng sản lượng trong toàn khối nếu Iran không tham gia. Iran từng thẳng thừng từ chối đóng băng hạn ngạch giữa thời điểm họ rục rịch phục hồi từ các tác động của 6 năm chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Dù nhận chỉ đạo từ bên trên, cựu bộ trưởng al-Naimi vẫn thể hiện theo hướng khác trước mặt đồng nghiệp và vì thế, uy tín của ông sụp đổ. Al-Naimi có vẻ “sẵn sàng ký một thỏa thuận bất chấp những gì được mô tả là một tuyên bố chính trị từ Phó Hoàng thái tử Salman”, tờ The Wall Street Journal viết khi đó.
Hai tuần sau sự việc trên, bộ trưởng dầu mỏ tại chức lâu nhất của Ả Rập Xê Út bị sa thải, nhường chỗ cho Chủ tịch Saudi Aramco Khalid al-Falih, người có thái độ và hành động theo sát bước chân chính trị của Phó Hoàng thái tử. Lần này, thỏa thuận trong tháng 11 sắp tới có vẻ “lạc quan”, ông al-Falih nói với phóng viên CNN trong tuần này.
Thời gian qua, vấn đề về sự tin cậy và độ tín nhiệm của Ả Rập Xê Út trong thỏa thuận đóng băng hạn ngạch liên quan đến nhiều thông tin nhầm lẫn và hiểu lầm giữa các thành viên hoàng gia - những người có quyền phê duyệt hoặc từ chối thỏa thuận - và ông al-Naimi, nhà đàm phán chính thức đại diện cho Ả Rập Xê Út.

tin liên quan

Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út rời ghế sau hơn 20 năm
Ông Ali al-Naimi, vị kiến trúc sư cho thay đổi trong chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) năm 2014, làm ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, vừa rời ghế Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út.
Sự gần gũi và tự định hướng
Sự thân mật và tự định hướng thể hiện lý do lớn nhất để xác định liệu Ả Rập Xê Út có cố gắng hết mình nhằm giúp thỏa thuận đóng băng sản lượng có hiệu lực hay không. Sự đồng cảm của Ả Rập Xê Út trong chuyện tái thiết kinh tế của Iran không tồn tại, đặc biệt là vì Iran sẽ giành lại thị phần mà nước này đã có kể từ khi lệnh trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu khí Iran.
Tư cách thành viên và lãnh đạo trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) của Ả Rập Xê Út đồng nghĩa với việc nước này có đủ tài chính và nguồn lực để đưa chính họ và các đồng minh thân cận nhất hợp tác khi cơn bão giá dầu tiếp diễn. Cũng như các nước vùng Vịnh khác, Ả Rập Xê Út bắt đầu dự án quốc gia lớn để đa dạng hóa kinh tế và thực hiện đầu tư, mua bán sáp nhập tại những thị trường được đánh giá là có tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, các thành viên khác của OPEC, đặc biệt là Algeria và Venezuela, không có các quỹ đầu tư quốc gia lớn hay đội ngũ chuyên gia tài chính hùng hậu. Điều này khiến kinh tế hai nước trên lâm vào cảnh hỗn loạn. Khoảng cách giữa Ả Rập Xê Út và các nước nghèo hơn thuộc OPEC đang làm chệch nhiều quan điểm, có thể gây bất lợi cho thỏa thuận đóng băng hạn ngạch. Nếu giá hòa vốn bán dầu của Algeria là 114,8 USD/thùng, Venezuela là 117,5 USD/thùng thì Ả Rập Xê Út chỉ cần 66,7 USD/thùng.
Giá dầu thấp khiến các nhà sản xuất với chi phí cao, chẳng hạn như Trung Quốc, phải ngừng kinh doanh. Điều này giúp đẩy cao nhu cầu, yếu tố mà Ả Rập Xê Út có thể bù đắp bằng việc đẩy mạnh nguồn cung. Hiện tại, khi vấn đề uy tín và tin cậy của Ả Rập Xê Út đã được giải quyết thông qua động thái thay đổi nhân sự, nếu tính kinh tế của dầu mỏ thúc đẩy kịch bản không có thỏa thuận đóng băng sản lượng cho Ả Rập Xê Út, việc nước này cam kết hoàn toàn vào quá trình đàm phán sẽ không xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.