Tình yêu “nhạt” theo thời gian
Kết hôn đến nay đã hơn 30 năm, mỗi lần con cháu hỏi chuyện tình yêu của hai vợ chồng, bà Tám (TP.HCM) chỉ cười bảo: “Trẻ như chúng mày mới yêu đương chứ ông bà tầm này tuổi, sống với nhau vì cái nghĩa, cái nợ chứ yêu đương gì nữa”. Hồi ấy được hai bên gia đình mai mối thì đến với nhau, ở với nhau đến giờ. Bà cũng không còn nhớ lần cuối hai ông bà đi chơi riêng, đi ăn riêng với nhau là khi nào nữa.
Sau một thời gian kết hôn, nhiều cặp đôi thừa nhận tình cảm không còn mặn nồng như xưa |
Những tưởng chuyện tình yêu nhạt dần sau nhiều năm chung sống chỉ xảy ra với cặp vợ chồng lớn tuổi, nhưng số lượng các cặp đôi trẻ rơi vào tình huống tương tự cũng không phải hiếm. Chị Thạo, một bà mẹ hai con ở Quận 6, TP.HCM kể: “Anh chị kết hôn đến nay cũng hơn 10 năm. Hồi sinh đứa thứ hai chị phát hiện anh có người khác bên ngoài. Lúc ấy anh chị cãi nhau to lắm, tính ly hôn rồi nhưng nghĩ đến hai đứa con thì lại nhẫn nhịn ở với nhau. Giờ anh ấy cũng dừng mối quan hệ kia rồi, nhưng tình cảm vợ chồng cũng có khoảng cách nhất định. Giờ chị sống vì con thôi chứ xác định đã không còn tình yêu nữa”.
Nhận định về hiện tượng này, TS Xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM) nhận định: ““Kẻ thù” lớn nhất của hôn nhân chính là sự nhàm chán. Càng ở với nhau lâu mà hai bên không nỗ lực vun đắp thì sẽ nhàm chán thôi, mà nhàm chán thì tình yêu sẽ mất đi. Đấy là tính tất yếu của mọi mối quan hệ. Tình cảm không phải là bất biến, tình cảm là một thứ có thể thay đổi. Nếu người ta không nuôi dưỡng, họ sẽ mất tình cảm ấy”.
Không còn tình yêu, nhiều cặp vợ chồng chọn sống với nhau vì cái nghĩa, vì ràng buộc con cái |
Nghĩa vợ chồng có đủ sức kết nối
Đề cao tình nghĩa trong mọi mối quan hệ là một nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của người Việt. Chính nhờ đặc trưng này mà trong quá khứ, hôn nhân của các cặp đôi tương đối bền vững và ly hôn là chuyện rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, khi con người ngày càng đề cao tự do cá nhân, việc chia tay để tìm hạnh phúc mới ngày càng phổ biến. Bằng chứng là tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Thống kê của tòa án cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có 60.000 vụ ly hôn. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, nghĩa là cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì có một đôi ra tòa.
Ở các thành phố lớn, nơi người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực về công việc, kinh tế, đồng thời cũng có nhiều sở thích và mục tiêu để theo đuổi, tình nghĩa cũng không đủ sức níu kéo các gia đình. Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất TP.Hồ Chí Minh, hiện cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Khảo sát này còn cho thấy, 43,4% cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn.
Có với nhau 2 mặt con, từng yêu xa nửa vòng trái đất trước khi kết hôn nhưng anh Hưng và chị Mai (TP.Thủ Đức) vẫn quyết định chia tay sau 15 năm chung sống. Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Mai nói: “Anh chị đều là những người thích kinh doanh, ai cũng bận rộn. Thành ra việc nhà không có ai lo, cuối tuần ăn miếng cơm với nhau cũng là thứ xa xỉ. Không có thời gian dành cho nhau nên tình cảm cũng nhạt dần. Con cái hiện cũng không còn nhỏ nữa nên anh chị nghĩ giờ là lúc thích hợp để chia tay, để mỗi người tìm hạnh phúc mới”.
Con người hiện đại đề cao tự do cá nhân, nếu đã không còn yêu thì tình nghĩa cũng khó cứu vãn hôn nhân. |
Chuyên gia Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Trong cuốn “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” của tác giả Peter L. Berger - Thomas Luckmann có một câu, đại ý là hôn nhân giống như hai người cùng đạo diễn nên một vở kịch, hai người vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn cho cuộc hôn nhân đó. Hai người cùng biến đổi nhau, hai người cùng kiến tạo nên cuộc hôn nhân đó. Lý do chán nhau, lý do không bền vững là do các bạn đang không kiến tạo lẫn nhau theo một hướng tích cực, đang không học cách sống chung. Cho nên một trong những bí quyết mà chị chia sẻ đó là, muốn hôn nhân bền vững thì phải học cách chấp nhận lẫn nhau, để làm cho nhau hạnh phúc hơn.”
Duy trì hôn nhân vì con cái
Khi tỷ lệ ly hôn ngày một tăng lên, con cái trở thành cứu cánh duy nhất cho các cuộc hôn nhân. Thậm chí, một số người chấp nhận để bạn đời của mình có mối quan hệ ngoài luồng, miễn là chu toàn trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là con cái.
Con cái là cầu nối hàn gắn cho nhiều cuộc hôn nhân trên bờ đổ vỡ |
Về vấn đề này, chuyên gia Phạm Thị Thúy cho rằng hiện tượng này ngày càng ít đi trong xã hội hiện đại. Chị cho biết: “Con người trong xã hội hiện đại coi trọng tự do cá nhân. Cho nên người ta cảm thấy thỏa mãn các nhu cầu trong hôn nhân thì người ta mới giữ cái hôn nhân đó. Còn nếu hôn nhân chỉ là cái vỏ danh nghĩa vì sĩ diện, vì con cái, vì địa vị xã hội mà giữ lại thì ngày càng ít đi.
Chuyện vì tình nghĩa mà ở với nhau đôi khi cũng có mặt lợi. Có khi vượt qua cái giai đoạn chán nản đó thì họ lại yêu nhau hơn, họ lại yêu từ đầu, họ chinh phục lại nhau. Cho nên cái giai đoạn tình nghĩa đó giống như giai đoạn thử thách hôn nhân, cho cả hai phía. Trong một số ca tôi từng tư vấn, nhờ chịu đựng nhau trong cái giai đoạn mà họ tưởng là hết yêu, họ vượt qua được và sau đó nhận ra người này mới là người thực sự mang lại hạnh phúc cho mình, người này mới là người bố tốt, người mẹ tốt của con mình.
Tôi hay lấy đồ thị hình sin để so sánh tình yêu trong hôn nhân. Tình yêu nó giống hình sin đó, có lúc nó lên, có lúc nó xuống. Nếu chúng ta không cẩn thận, nó chỉ xuống thôi mà chúng ta đã vội vàng ly hôn thì trong cuộc đời không biết là ly hôn bao nhiêu người cho đủ. Tôi thường nói với các cặp muốn ly hôn là hãy cho nhau một cơ hội, hãy cho chính bạn một cơ hội, cho con cái bạn một cơ hội. Đến khi bạn thử cho nhau một cơ hội rồi mà bạn vẫn quyết tâm ly hôn thì lúc đấy quyết định của bạn sẽ không phải là quyết định sai lầm”.
Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)