Liệu giá dầu có lấy lại đà tăng trong thời gian tới?

19/05/2023 15:17 GMT+7

Các chuyên gia tin rằng đợt giảm giá dầu gần đây đã sắp chạm đáy và có thể lấy lại đà tăng trong thời gian tới.

Theo dữ liệu từ trang Trading View, tính từ đầu năm 2023 tới nay, giá dầu Brent đã giảm gần 11%. Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 2.5 vừa qua, giá dầu Brent có lúc giảm còn hơn 72 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12.2021. Giá dầu WTI của Mỹ cũng đã giảm hơn 9% kể từ đầu năm. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm là do các lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, trong một vài phiên gần đây, giá dầu đã có dấu hiệu tăng trở lại và được dự báo sẽ lấy lại đà tăng hơn nữa trong những quý tiếp theo. Theo đó, ngay trong phiên giao dịch ngày 10.5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,6%, lên mức 77,24 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 0,8%, lên mức 73,71 USD/thùng.

Liệu giá dầu có lấy lại đà tăng trong thời gian tới? - Ảnh 1.

Mỏ dầu Shaybah tại Ả Rập Xê Út

REUTERS

Động lực đẩy dầu tăng giá

Thứ nhất, các chuyên gia đánh giá nhu cầu theo mùa tăng cao sẽ đẩy giá dầu tăng lên trong thời gian tới. Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu theo mùa cao hơn và sản lượng thấp hơn dự kiến cũng hỗ trợ giá dầu lấy lại đà tăng.

Bên cạnh đó, việc Mỹ có thể bắt đầu đầu mua lại dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ, vốn đã bị giảm một lượng rất lớn hồi cuối năm ngoái theo chỉ đạo "mở kho" của Tổng thống Joe Biden, cũng tác động lớn đến giá dầu. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết dầu thô có thể được mua lại để bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của nước này vào cuối năm 2023.

Bị áp trần giá dầu, Nga bù đắp bằng số lượng?

Thứ hai, việc một số nhà sản xuất thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh bất ngờ quyết định tự nguyện cắt giảm tổng cộng 1,6 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối năm nay sẽ khiến sản lượng sụt giảm và có thể đẩy giá dầu tăng lên ba con số. Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã điều chỉnh dự báo dầu Brent tăng thêm 5 USD/thùng, lên 95 USD/thùng vào tháng 12.2023.

Trong Báo cáo Thị trường Dầu hàng tháng mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo đợt cắt giảm mới nhất của OPEC+ có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng về cung - cầu trên thị trường, đẩy giá dầu thô và sản phẩm dầu mỏ tăng cao hơn nữa. Người tiêu dùng đang bị lạm phát bao vây sẽ còn phải chịu nhiều thiệt hại hơn khi giá cả cao hơn, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Liệu giá dầu có lấy lại đà tăng trong thời gian tới? - Ảnh 2.

Đợt cắt giảm mới nhất của OPEC+ có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng về cung - cầu trên thị trường dầu

REUTERS

Thứ ba, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên trong năm 2023 sẽ kéo giá dầu tăng cao. Trong một báo cáo công bố hôm 8.5, các chuyên gia của Ngân hàng ANZ tin rằng thời gian tới, cung sẽ không đáp ứng đủ cầu do nhu cầu dầu toàn cầu tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày. Báo cáo nhận định việc OPEC+ giảm sản lượng và sự gia tăng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc có thể bù đắp lại sự suy giảm nhu cầu ở nơi khác, do đó, giá dầu sẽ sớm "thoát đáy".

Thứ tư, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tối 4.5 vừa qua cũng thúc đẩy dầu tăng giá. Đây lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7.2022 để ứng phó với lạm phát kéo dài. Có thể thấy, ECB đã giảm tốc độ tăng lãi suất và để ngỏ các lựa chọn đối với các động thái trong tương lai khi cơ quan này đang nỗ lực chống lạm phát ở khu vực đồng euro vẫn đang ở mức cao.

Còn nhiều mối lo

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng tình trạng hỗn loạn tài chính trên diện rộng hiện nay cũng sẽ cản trở triển vọng dầu tăng giá vì các yếu tố cung - cầu bị lấn át bởi những lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô.

Nhà phân tích dầu thô Viktor Katona tại công ty phân tích thị trường Kpler nói rằng giá dầu đã bị ảnh hưởng bởi một loạt tin tức kinh tế vĩ mô ảm đạm, liên tục tạo ra tâm lý tiêu cực, cùng với đó là là sự mất niềm tin của thị trường vào việc thực hiện cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu Helima Croft của Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) cho biết mọi người đang "đặt cược" vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng nhu cầu dầu thô của nước này cũng chưa tăng đáng kể, từ khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến việc tăng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có tác động không nhỏ tới việc tăng giảm giá dầu thế giới.

Những biến động về giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trên thế giới có tác động không nhỏ tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, việc OPEC+ bất ngờ quyết định cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5 đến cuối năm 2023 dẫn đến nguy cơ mất cân bằng cung cầu, có thể đẩy giá dầu lấy lại đà tăng cao trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ tới đà phục hồi của các nền kinh tế vốn đã phải lao đao rất nhiều trong thời gian qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.