Cuốn sách Liệu mình sống không cần tỉnh thức được không? hình thành bởi sự chấp bút của hai tác giả: một là nữ Thạc sĩ tâm lý Sala Tâm - người dày dặn kinh nghiệm trong các dự án hướng về người trẻ, chuyên gia tham vấn cho nhiều khách hàng về những khúc mắc trong đời sống, tình yêu, hôn nhân và một là Chef Long Chau - nam đầu bếp đã nổi danh với nhiều talkshow trên truyền hình, sự kiện, nay đã "bỏ phố về rừng" đúng nghĩa, với đời sống tự do, phóng khoáng.
Sala Tâm (thạc sĩ Tâm lý Võ Hồng Tâm) là tác giả của Càng sâu dưới đáy càng gần hồi sinh (NXB Thế giới) và Chef Long Chau từng chấp bút Thuận tự nhiên (NXB Thế giới). Có lẽ vì nhiều kinh nghiệm mà ngòi bút, giọng văn của họ cũng vô cùng cởi mở, theo hướng hiểu rõ nhân sinh, nói thẳng những điều "mắt thấy, tai nghe", giúp người đọc vỡ òa, đốn ngộ.
Hai tác giả Sala Tâm & Chef Long Chau như trải lòng mình: "Chúng ta như những tượng người đất sét đang gồng gánh bằng những ảo tưởng. Hãy để chính mình vụn vỡ. Tan rã. Chảy tràn. Để cho ánh sáng của tình yêu. Khiêm nhường. Chân lý. Sự thật… thấm và chảy tràn vào mình".
Đó có lẽ cũng là lời chân thật tác giả gửi gắm tới bạn đọc. Hay nói cách khác, hãy ngừng "trang điểm" bản thân, để cho mình là mình nhất trước tất cả mọi thứ, từ nỗi đau đến hạnh phúc đang là, quan sát những cảm thọ, cách chúng ta đón nhận chúng để biết mình. Đó cũng chính là sự tỉnh thức, chánh niệm. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: "Ta có là ta, ta mới đẹp".
Nói về bản thân mỗi người, theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt: "Trong tất cả những thứ con người cần phải hiểu, tôi luôn nghĩ rằng hiểu được bản thân là khó nhất".
"Cụ thể, cái hiểu mà phải gác lại tất cả những lời tán dương lẫn gièm pha, cái hiểu mà không bị giới hạn bởi định kiến hay ảo tưởng. Cái hiểu mà phải biết rõ mình giỏi thứ gì, dở những thứ gì. Cái hiểu mà không gắn liền với con số tuổi tác hay trải nghiệm sống… Một cái hiểu chân thành nhưng cực kỳ lớn rộng. Các tác giả đã hiểu trong tâm thế đó', nhà thơ chia sẻ.
Vì vậy mà cuốn sách của Sala Tâm & Chef Long Chau, theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt "có thể mang đến cho độc giả một cái nhìn khác hoặc có khi là một giải pháp để hiểu mình giữa cuộc đời".
Nhà văn Lưu Đình Long thì cho rằng, Liệu mình sống không cần tỉnh thức được không? còn gợi mở để bạn đọc tiếp cận từng câu chuyện thực tế, gần gũi với mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó, tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.
"Cách viết ngắn gọn, trực diện vấn đề - mới đọc có thể bạn sẽ hụt hẫng nhưng nếu đặt tâm thế đang ngồi trò chuyện với hai tác giả thì bạn sẽ thấy đây là những "cú đánh" khá mạnh để mình tỉnh ra và buông, bỏ những điều không cần thiết, an trú trong hiện tại, kiến tạo bình an ngay bây giờ, ở đây", nhà báo - nhà văn Lưu Đình Long nhận định.
Do đó, việc đọc tác phẩm với tâm thế đối thoại cùng nhau trong tâm thế cởi mở giữa độc giả - tác giả, giữa độc giả (mình) và sự tỉnh thức (nơi mình) sẽ giúp bạn đọc tự tìm thấy câu trả lời cho riêng mỗi người, với một câu hỏi tưởng chừng như đánh đố của Sala Tâm & Chef Long Chau: Liệu mình sống không cần tỉnh thức được không?, nhưng lại quá đỗi dễ dàng khi gấp lại trang cuối cuốn sách.
Bình luận (0)