Đó là nội dung tranh luận chính trong hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 9.12.
Triển khai các biện pháp kiềm chế lạm phát nhằm giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp - ảnh: Đ.N.Thạch |
Giảm lãi suất thay vì hỗ trợ thuế
Trong năm 2011, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều sóng gió như doanh nghiệp khát vốn, mất cân đối cung cầu, thị trường vốn thiếu thanh khoản (thể hiện qua sự căng thẳng lãi suất, tình trạng ảm đạm của 2 thị trường chứng khoán và bất động sản do hạn chế tín dụng, sự giảm cầu của nền kinh tế do cắt giảm đầu tư...). Ông Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty địa ốc Bến Thành - ví von 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam hết trải qua “động đất” rồi gặp phải “sóng thần”... khiến họ gặp khó khăn trong vấn đề định hướng kinh doanh. Có doanh nghiệp bất động sản đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm đến 95%. Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong suốt năm 2011 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - thừa nhận nhà nước cũng đã nhận ra việc thắt chặt tín dụng quá mức từ 30% của những năm trước xuống còn 10% trong năm 2011, điều này giống như việc người ta đang thở mà lấy tay bịt mũi nên khó thở. Ông Nghĩa cho rằng: “Chính sách sẽ sửa đổi lại để linh hoạt hơn”.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho hay lộ trình và bước đi trong quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cần phải “làm ấm” thị trường chứng khoán và bất động sản. Dù ở quy mô nào, 2 thị trường này luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, bất động sản và ngành ngân hàng như “môi với răng”. |
Dịch chuyển vốn vào tư nhân
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn được coi trọng. Nhưng nên dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân lên 40% thay vì 35% như trước đây. Vốn phải được đổ vào những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan tỏa cao. Nếu không sẽ khó bảo đảm mức tăng trưởng 6% theo kế hoạch đề ra. Kinh tế Việt Nam năm 2012 tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Trường hợp lạm phát năm 2012 ở mức 9% thì lãi suất huy động sẽ xuống 11%/năm và lãi suất cho vay ở mức 13 - 15%/năm. Một số doanh nghiệp tham dự hội thảo hoài nghi với con số lạm phát năm 2012 đưa ra dưới 10% khi lạm phát năm 2011 ở khoảng 18%. Trả lời vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng lạm phát 1 con số nếu không quyết tâm thì sẽ không làm được. Cơ sở để đưa ra mức lạm phát dưới 10%, theo ông Trần Du Lịch, đó là từ nhiều tháng nay lượng tiền liên tục được rút về là điều kiện để kiểm soát lạm phát tốt hơn trong thời gian tới.
Thanh Xuân
Bình luận (0)