Sau khi tốt nghiệp khoa Đông Phương, Trường đại học Đà Lạt năm 2006, anh Phan Anh Tuấn (sinh năm 1984, sang Philippines học linh mục theo dòng Saledieng Don Bosco (là dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng, thành lập năm 1859 tại Ý, hiện đã có mặt trên 133 nước. Giáo dân và tu sĩ có sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng giáo dục giới trẻ nghèo). Vừa sang Venezuela được 6 tháng học tiếng Tây Ban Nha, linh mục Tuấn được cử vào tận tít sâu trong rừng Amazon sống với thổ dân Yanomami từ năm 2011 - 2014 và từ 2018 - 2021.
Được phát hiện lần đầu năm 1929, thổ dân Yanomami có khoảng 30.000 - 40.000 người, sống sâu trong rừng Amazon (gần biên giới Brazil và Venezuela, Nam Mỹ). Muốn vào nơi họ sống từ thủ đô Caracas, Venezuela phải đi xe đò khoảng 19 tiếng đến Ayacucho. Từ đây theo tàu 30 tấn đi 4 - 5 ngày đêm để đến Mavaca. Vẫn chưa hết, lại lên ghe nhỏ đi thêm 7 - 10 ngày (nếu may mắn thì được đi theo máy bay quân sự khoảng 2 tiếng, hoặc đi ca nô cũng phải 2 - 3 ngày) mới đến nơi.
Được già làng tặng "vợ"
Giám đốc cộng đoàn Saledieng Don Bosco ở Mavaca - Amazon, Venezuela - linh mục Nelson Briceño cho biết, sống với thổ dân Yanomami tại Amazon, nhóm truyền giáo gồm 6 người, cha Tuấn với 2 cha khác từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 3 sơ còn lại đến từ Congo, Czech và Tây Ban Nha sống trong căn nhà khác cạnh đó. Ở đây có một trường học nhỏ, nhiệm vụ chính của nhóm là dạy và điều hành trường học. Ngoài giờ dạy học, các linh mục sẽ làm vườn, trồng rau, chăn nuôi để sống. Thỉnh thoảng, các cha sẽ đến các làng khác để thăm hỏi. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài vài ngày đến nửa tháng.
"Amazon rất rộng lớn nên mỗi lần đi thăm thổ dân có thể kéo dài vài ngày đến nửa tháng là bình thường. Có lần đang đi ghe thì máy hư giữa rừng, phải chèo tay hai ngày đêm mới đến nơi", linh mục Tuấn nói.
Người Yanomami hiện vẫn sống kiểu "đa phu, đa thê", phụ nữ có thể có nhiều chồng, và đàn ông có thể có nhiều vợ. Tuy nhiên, muốn được vậy thì người đàn ông phải đủ khả năng nuôi các bà vợ, và khi được già làng đồng ý, hai người sẽ trở thành vợ chồng, không cần cưới xin, chỉ việc dẫn về sống chung với các bà vợ còn lại.
Còn phụ nữ cần có thêm chồng (để giúp đỡ mình trong gia đình) thì chỉ việc đến nói với già làng, nếu già làng đồng ý là xong. Ngoại tình thỉnh thoảng vẫn xảy ra, khi đó cả hai đều sẽ bị bắt trình diện với làng và xử phạt cả người nam lẫn nữ bằng cách đánh gậy (dài tầm 4 m, và to bằng cán chổi ở Việt Nam) vào đầu 3 cái. Nếu chết thì sẽ đem thiêu, nếu không chết thì sau đó không được ai nhắc đến tội lỗi cũ nữa. Người nào nhắc lại sẽ bị xử phạt tương tự.
Về một câu chuyện dở khóc dở cười khi sống tại đây, linh mục Tuấn kể: "Thấy chúng tôi có 3 nam, 3 nữ, người Yanomami mặc định rằng chúng tôi là vợ chồng và đều… vô sinh (vì không thấy có con). Khi biết chúng tôi không phải vợ chồng, già làng còn đưa các cô gái trẻ đến cho linh mục và các chàng trai trẻ cho các sơ... Khi đó chúng tôi phải lịch sự từ chối mãi và nói rằng chúng tôi đã có gia đình rồi thì họ mới thôi".
Uống tro cốt người chết với thổ dân Amazon
Chỉ vài chục năm trước, người Yanomami còn ăn thịt kẻ thù. Điều đó nay đã chấm dứt nhưng cho tới hiện tại, người Yanomami vẫn giữ tục uống tro cốt người chết.
Theo đó, người qua đời sẽ được đem hỏa thiêu trên giàn củi đặt giữa làng, sau đó gom xương lại mài ra thành bột cất trong những quả bầu khô hoặc ống tre rồi chọn một ngày (thiêng) để làm nghi thức kết nối giữa người sống và người chết (endocannibalism).
Khi đó già làng sẽ phái khoảng 8 - 9 thanh niên trai tráng giỏi bắn tên vào rừng khoảng một tuần để kiếm thịt. Lúc đi họ không được bận áo quần, phải bôi mặt, hóa trang thành con vật nào đó để tránh ma quỷ bắt. Họ cũng chọn những cô gái đẹp, có khả năng định hướng khi đi trong rừng để tìm trái cây. Đến khi đàn ông tìm đủ thịt, phụ nữ tìm đủ trái cây cho người trong làng thì sẽ quay về (thường là khoảng một tuần) và bắt đầu làm lễ uống xương người.
Người Yanomami lấy trái cây (thường là chuối), dùng tay nhào nát rồi trộn với bột xương người thành một hỗn hợp sền sệt. Sau đó dùng tay vốc, đưa lên miệng uống. Họ tin rằng đây là cách kết nối giữa người sống và người chết, giữ linh hồn người đã khuất ở lại và linh hồn đó sẽ bảo vệ cộng đồng. Mà không phải ai cũng được tham gia uống tro cốt người chết, chỉ có đàn ông trong làng hoặc người ngoài phải được quý mến lắm mới được mời. Phụ nữ và trẻ em không bao giờ được uống.
"Bàn tay của họ đâu có sạch, dính đất cát, thậm chí đang chảy nước mũi, lấy tay quẹt lau rồi tiếp tục nhào bột xương và chuối. Lúc đó nhìn hỗn hợp bột xương người sền sệt đó, xin lỗi, tôi nhợn lên. Nhưng đây là một nghi lễ linh thiêng của họ, trước mặt những già làng, thầy cúng trong làng, tôi sao dám, nên phải… nuốt lại. Mấy năm sống với thổ dân Yanomami, tôi được họ mời uống 3 - 4 lần nhưng không dám uống. Lần cuối là uống xương của một sơ truyền giáo người Colombia mất tại đây. Trước khi mất, sơ có di chúc nói rằng muốn được mai táng theo phong tục của thổ dân nên nhà dòng quyết định đưa tro đó cho già làng để làm nghi thức uống xương. Lần đó tôi có uống", linh mục Tuấn kể.
Cuộc sống thổ dân bị đe dọa
Rừng Amazon rất rộng lớn nên người Yanomami xưa nay sống chủ yếu là săn bắt và hái lượm, hầu như không trồng trọt, chăn nuôi. Phụ nữ kiếm trái cây, đàn ông săn bắt thú rừng và trao đổi với nhau. Dù vậy, năm 2023, hàng trăm trẻ em Yanomami tử vong vì suy dinh dưỡng khiến chính phủ Brazil đã phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp và dùng máy bay đưa thổ dân sắp chết đói đi cấp cứu. Nguyên nhân chính là do nạn phá rừng, khai thác vàng, gỗ trái phép làm ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt lương thực.
Bình luận (0)