|
Ngày 1.7.1997, Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc và vào 6 giờ sáng cùng ngày, một lực lượng của PLA đặt chân đến đặc khu này đồn trú, theo chuyên trang quốc phòng Trung Quốc Sinodefense.com. Khi binh sĩ tiến vào các con đường chính của Hồng Kông, họ nhận được sự đón chào nồng nhiệt của người dân địa phương dọc đường. Từ đó, lực lượng đồn trú thường mở cửa doanh trại đón người dân vào tham quan và tổ chức diễu binh. Hoạt động mới nhất diễn ra vào ngày 28.4 vừa qua, với nhiều màn trình diễn võ thuật hoành tráng, theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông. Người dân còn được cho tham quan tàu chiến và trực thăng của các đơn vị.
“Nằm ngoài biên giới”
Tuy nhiên, quan hệ quân dân ở Hồng Kông cũng chỉ dừng ở mức những sự kiện như trên. Đối với đại bộ phận dân chúng, những người lính từ đại lục vẫn còn khoảng cách khá xa đối với họ. Một số chuyên gia nhận định tình trạng này là một trong những ví dụ cho thấy những bất đồng và nghi kỵ đang tồn tại giữa một bộ phận người Hồng Kông với đại lục. Hồi đầu tháng 2, nhiều người dân đặc khu và cư dân mạng đại lục không tiếc lời phỉ báng nhau xuất phát từ những lời bình luận mang tính mạ lị Hồng Kông của một giáo sư Trung Quốc. Đến cuối tháng 3, biểu tình phản đối nổ ra sau khi ông Lương Chấn Anh, bị cho là quá thân Bắc Kinh, giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu Trưởng đặc khu, theo AFP.
Bản thân lực lượng đồn trú của PLA cũng thực thi một chính sách “tự cô lập” khi binh sĩ bị cấm rời doanh trại và các nhu yếu phẩm cần thiết được phân phát mỗi ngày từ căn cứ hậu cần ở Thâm Quyến. Tờ SCMP dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quân sự quốc tế tại Macau Antony Wong cho rằng chính sách trên được đưa ra nhằm tránh khơi lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989, vốn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người Hồng Kông khi đó. Ngoài ra, cũng theo ông Wong, giới chức còn quan ngại bí mật quân sự bị rò rỉ cũng như muốn bảo vệ binh sĩ khỏi “luồng gió độc của chủ nghĩa tư bản” và tránh va chạm với dân địa phương.
Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có người Hồng Kông nào gia nhập quân đội. Ông Wong nhận định với SCMP: “PLA có thể từng tuyên bố chào đón người Hồng Kông gia nhập quân đội. Nhưng tôi không thấy điều đó đang diễn ra. Theo tôi, trung ương vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng Hồng Kông và Macau. Chúng tôi vẫn còn bị xem là nằm bên ngoài biên giới”.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng khác biệt về điều kiện thể chất, tinh thần, lối suy nghĩ, truyền thống văn hóa và xã hội khiến người Hồng Kông rất khó gia nhập PLA.
Tiền đồn trên biển
Lực lượng đồn trú ở Hồng Kông bao gồm các đơn vị không quân, hải quân và bộ binh, với tổng cộng 6.000 binh sĩ, được luân chuyển mỗi năm từ đại lục, theo Sinodefense.com. Về khí tài, có khoảng 10 máy bay trực thăng Z-9B và 4 chiếc trực thăng
Z-8KH. Đơn vị bộ binh có một số xe chiến đấu bọc thép và rốc két chống xe tăng, còn đơn vị hải quân có 5 khinh hạm mang tên lửa Type 037-II và một số tàu hỗ trợ khác, theo Sinodefense.com. Lực lượng này chịu trách nhiệm trước Quân khu Quảng Châu và chỉ có thể hỗ trợ giữ gìn trật tự xã hội cũng như ứng phó thiên tai theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Do đó, nhiều người dân cho rằng lực lượng đồn trú không mang trọng trách lớn mà chỉ có tính biểu tượng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nghĩ khác. Tạp chí Defense Review News dẫn lời một số nhà quan sát đánh giá PLA thường phô trương khí tài mới tại Hồng Kông cho thế giới và cả người dân địa phương thấy sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, có ý kiến nói với vị trí địa lý của mình, đặc khu này cùng với tỉnh Hải Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiến ra biển Đông của PLA thông qua Quân khu Quảng Châu. Vì thế, nói như chuyên gia Antony Wong trên tờ SCMP, Bắc Kinh sẽ tiếp tục gửi “hàng tốt nhất” của mình tới Hồng Kông.
Văn Khoa
Bình luận (0)