Ngày 2.2, nhiều người dân khi ngang qua khu vực phía bắc đầu cầu Rồng (bờ đông sông Hàn, TP.Đà Nẵng) tỏ ra thích thú trước hình tượng linh vật rồng đang được lắp đặt và phun sơn.
Linh vật rồng được làm bằng xốp với chiều cao chừng chục mét. Ấn tượng hơn cả là thân rồng uốn lượn, cuộn thành tầng với chiều dài khoảng 30 - 40 m.
Các công nhân thi công cho biết, để linh vật rồng ra mắt công chúng trong hình ảnh hoàn mỹ nhất, hiện các công đoạn gọt đầu, sơn dặm trên thân rồng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện.
Trong khi đó, xuất hiện sớm hơn linh vật rồng cuộn là rồng vươn mình bay lên ở phía bắc đuôi cầu Rồng (bờ tây sông Hàn) đã hoàn thành công tác lắp đặt phần khung. Linh vật rồng này được thiết kế cách điệu với "ngôn ngữ" khá tương đồng với con rồng làm nên cầu Rồng.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, chủ đề chính của phương án trang trí hoa và điện chiếu sáng Tết Giáp Thìn 2024 là "Con Rồng cháu Tiên", lấy ý tưởng từ hình tượng rồng là con giáp chính của năm 2024, tổng hợp hình ảnh rồng qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam để lựa chọn hình dáng rồng phù hợp với văn hóa Việt Nam đưa vào phương án thiết kế.
Tại điểm quảng trường phía bắc đầu cầu Rồng là cụm chi tiết “Rồng du xuân” với hình ảnh các con rồng ngộ nghĩnh phù hợp không khí vui tươi ngày tết
HOÀNG SƠN
Một linh vật rồng khác sẽ xuất hiện tại điểm vỉa hè khu vực cầu chữ T trước số 42 Bạch Đằng. Linh vật rồng này được cách điệu lấy từ "Dấu ấn rồng thiêng" nhằm khơi gợi ký ức về thời vua Hùng dựng nước; hình ảnh đàn chim lạc bay lên thể hiện khát vọng vươn cao, vươn xa ra thế giới của TP.Đà Nẵng.
Ngoài ra, tại điểm quảng trường phía nam đuôi cầu Rồng là cụm chi tiết "Lạc Long Quân và Âu Cơ" với ý tưởng 50 con theo cha xuống miền biển, 50 con theo mẹ lên núi.
Loài rồng: Sinh vật kỳ bí với hình tượng trái ngược trong văn hóa Đông - Tây
Bình luận (0)