(TNO) Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về chương trình phát triển vi mạch điện tử (giai đoạn 2013- 2020) vào chiều 9.4.
Theo TS Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP.HCM, chương trình phát triển vi mạch điện tử của TP.HCM thực hiện 7 đề án, dự án được triển khai một cách đồng bộ, khép kín.
Các dự án này gồm: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design House); Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Đề án phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Đề án nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển công nghiệp vi mạch điện tử TP.HCM trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng từ 20 - 30%/năm, đến năm 2017 đạt doanh số khoảng 100 - 150 triệu USD. Chương trình cũng sẽ đào tào 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao; đào tạo 500 cán bộ chủ chốt...
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết TP.HCM đang tập trung phát triển vi mạch điện tử theo hướng chuyển từ lắp ráp sang sản xuất, từ gia công sang nghiên cứu và chế tạo sản phẩm thương mại nhằm tạo bước đột phá lớn về lĩnh vực khoa học - công nghệ của Việt Nam.
Theo ông Lê Mạnh Hà, mỗi năm Việt Nam phải mất vài tỉ USD để nhập khẩu vi mạch, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất ra được.
Nguồn vốn đầu tư cho chương trình thật sự không lớn nhưng nó tạo ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Vì vậy, cần có cơ chế chính sách để tạo ra thị trường trong nước, đồng thời phải có sự tham gia, hỗ trợ đặc biệt của các bộ ngành Trung ương.
“Nếu không có cơ chế chính sách phù hợp, sự hỗ trợ của các bộ ngành thì làm cách mấy cũng không thành công”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM vì đã xây dựng chương trình phát triển công nghiệp vi mạch đầu tiên cả nước.
Từ những khởi động đầu tiên của TP.HCM, Việt Nam đã có tên trên bản đồ chip thế giới, đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN, thu hút nhiều công ty vốn FDI đầu tư, sản xuất được linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (QCM), cảm biến áp suất, cảm biến gia tốc…
“Vi mạch là ngành mang lại giá trị gia tăng cao nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi. Đây là lĩnh vực đặc biệt nên cần phải tạo ra sản phẩm đặc biệt vì Việt Nam là nước đi sau”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TP.HCM về cơ chế chính sách, nguồn vốn hỗ trợ, trong đó có việc xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM (do Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 1,8 tỉ chip/năm), đồng thời chỉ đạo TP.HCM lưu ý đến tính cạnh tranh của sản phẩm, tiềm năng thị trường… để đảm bảo chương trình phát triển vi mạch mang lại hiệu quả cao nhất.
Tin; ảnh: Đình Phú
>> Ghép thành công vi mạch điện tử cho người mù
>> Khởi động công nghiệp vi mạch Việt Nam
>> TP.HCM hợp tác với Nhật, Singapore phát triển công nghệ vi mạch
>> Phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam
>> Đột phá vào công nghiệp vi mạch
>> Ghép thành công vi mạch điện tử cho người mù
Bình luận (0)