Liverpool và cách chơi Degenpressing mới mẻ

23/11/2015 15:36 GMT+7

Trong khi thiên hạ bình luận xem Roberto Firmino hay Philippe Coutinho là ngôi sao số 1 của Liverpool trong trận thắng tưng bừng 4-1 trên sân Manchester City, thì tác giả thật sự của chiến thắng ấy, HLV Klopp lại tuyên bố: ông thắng nhờ Degenpressing.

Trong khi thiên hạ bình luận xem Roberto Firmino hay Philippe Coutinho là ngôi sao số 1 của Liverpool trong trận thắng tưng bừng 4-1 trên sân Manchester City, thì tác giả thật sự của chiến thắng ấy, HLV Klopp lại tuyên bố: ông thắng nhờ Degenpressing.

Liverpool pressing ngay bên sân của đối phương - Ảnh: Reuters
Giới hâm mộ Premier League đang ngưỡng mộ và làm quen dần khái niệm ‘Degenpressing’. Từ Borussia Dortmund, Klopp đem Degenpressing sang Liverpool. Nghe hơi lạ tai. Degenpressing là... một cầu thủ? Đấy là tên một cách chơi mới mẻ, tạm dịch là "phản pressing". 

Hàng chục năm trước, bóng đá đỉnh cao đã biết thế nào là cách chơi pressing. Khi một cầu thủ tấn công có bóng thì anh ta lập tức bị 2-3 đối thủ bủa vây, và khi cầu thủ ấy đành phải chuyền bóng thì địa chỉ kế tiếp cũng đã bị đối phương phong tỏa, bằng số đông. Thế là các phương án tấn công phá sản. Nhưng cách chơi pressing làm tốn sức nên người ta chỉ có thể chơi pressing trong một giai đoạn ngắn. Mặt khác, nếu pressing... không nổi, nguy cơ thủng lưới luôn cao.

Trong cách chơi Degenpressing của Klopp, Liverpool giữ bóng không nhiều - nếu không muốn nói là rất ít. Bạn không giữ bóng thì đối phương pressing thế nào? Gọi cách chơi ấy bằng "phản pressing" là vì vậy.

Lallana (áo đỏ) là cầu thủ chạy nhiều nhất bên phía Liverpool - Ảnh: Reuters
Liverpool chỉ giữ bóng 37%, thực hiện 211 đường chuyền trong 45 phút, so với 340 đường chuyền và tỷ lệ giữ bóng 63% của Man City. Ngược lại, số lần "tắc bóng" của Liverpool cao gấp 3 lần đối phương. Như vậy, điểm mấu chốt trong cách chơi của Liverpool không phải là giữ bóng hay chuyền bóng, mà là những pha lao vào "tắc bóng". 

Hay ở chỗ, Liverpool luôn đẩy cao hàng tiền vệ, sao cho các pha lao vào tranh bóng luôn diễn ra trên phần sân đối phương. Có hai hệ quả. Nếu tiền vệ thất bại, hàng thủ Liverpool vẫn an toàn. Ngược lại, nếu pha "tắc bóng" thành công thì điều đó có nghĩa là Liverpool luôn đoạt lại quả bóng ngay trên sân đối phương. Giới chuyên môn từng đúc kết: khoảnh khắc thay đổi quyền sở hữu bóng thường là khoảnh khắc làm thay đổi thế trận.

Muốn chơi như vậy, cầu thủ phải chạy rất nhiều. Trên thực tế, 4 cầu thủ chạy nhiều nhất trong trận Man City - Liverpool đều thuộc về Liverpool (James Milner chạy tổng cộng 12,7 km; Adam Lallana 12,7; Lucas Leiva 11,8; Emre Can 11,5 - cầu thủ chạy nhiều nhất bên Man City là Kevin De Bruyne chỉ di chuyển tổng cộng 11,3 km). Tổng cộng, đội hình chính của Liverpool di chạy 20,3 km trong khi Man City chỉ chạy 18,2 km. Tốc độ trung bình của các cầu thủ Liverpool cũng cao hơn đối phương khoảng 10%. 

HLV Klopp đang thành công với Degenpressing cùng Liverpool - Ảnh: Reuters
Đấy là những con số đem lại chiến thắng. Vấn đề đặt ra: vì sao các cầu thủ Liverpool chạy khỏe như thế? Degenpressing có còn ý nghĩa gì nếu các cầu thủ Man City cũng chịu khó di chuyển? Khác biệt chính là ở chỗ: tiền vệ Liverpool luôn di chuyển một cách chủ động, có mục tiêu, có toan tính rõ ràng, nên không mệt. 

Ngược lại, khi người giữ bóng trong đội hình Man City bị bủa vây, ngay tại sân nhà, thì các cầu thủ xung quanh chỉ di chuyển một cách thụ động (tùy theo tình huống cụ thể) để hỗ trợ. Họ chưa quen với hoàn cảnh bị "tắc bóng" ngay tại sân nhà.

Xin nhắc lại, Liverpool chẳng mất gì nếu "tắc bóng" không thành công trong hoàn cảnh như thế. Ngược lại, nếu đoạt được bóng ngay trên phần sân đối phương, đấy hẳn nhiên là một cơ hội tấn công nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.